Xác định phong trào thi đua chính là chất xúc tác để xây dựng tổ chức hội vững mạnh, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ huyện Di Linh đã triển khai các phong trào thi đua tới địa bàn cơ sở với nhiều hình thức và cách làm sáng tạo, đem lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, phong trào thi đua làm kinh tế giỏi có sức lan tỏa mạnh mẽ, được cán bộ, hội viên, phụ nữ nhiệt tình hưởng ứng, giúp nhiều chị em vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên quê hương, khẳng định vai trò phụ nữ trong thời đại mới.
Chị Trần Thị Khuyên, sinh năm 1973 ở tổ dân phố 14 thị trấn Di Linh là điển hình cho hình mẫu người phụ nữ giám nghĩ, giám làm của địa phương. Khởi nghiệp từ đôi bàn tay trắng từ năm 2004, đến nay chị Khuyên đã xây dựng được Cơ sở may mặc “Minh Khuyên” chuyên về quần Tây nam nữ và đồng phục học sinh. Tròn 20 năm từ ngày đi vào hoạt động, trải qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, đến nay doanh nghiệp của chị Khuyên đã không ngừng lớn mạnh với thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng lớn trên cả nước, tạo công ăn việc làm cho 30 nhân công lao động là chị em phụ nữ tại địa phương. Chị Khuyên chia sẻ “Doanh nghiệp của tôi phần lớn là chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Xuất phát của tôi cũng là người có hoàn cảnh khó khăn đi lên, nên tôi rất thương và thông cảm cho chị em. Nghề may cũng là nghề phù hợp với nữ giới và bản thân chị em cũng làm việc khéo léo, tỉ mỉ và hiệu quả hơn nam giới. Mức lương hiện nay của chị em từ 5 triệu đến 13 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, chị em còn được nhận tiền thưởng, quà vào những dịp lễ, tết. Và quan trọng hơn nữa là chị em có môi trường sinh hoạt, chia sẻ và cảm thông, giúp đỡ lẫn nhau. Có công việc và thu nhập ổn định, các chị cũng có cuộc sống vui vẻ và thấy yêu đời hơn, đó là điều làm tôi vui và hạnh phúc nhất”.
Cơ sở may Minh Khuyên tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động địa phương
Không chỉ là người trẻ điển hình trong phát triển kinh tế ở xã Hoà Nam, chị Phạm Thị Út, 29 tuổi - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Thương mại dịch vụ chế biến nông sản DiLin , thôn 1 xã Hoà Nam còn là người trẻ điển hình trong Phong trào Thi đua yêu nước của huyện Di Linh. 6 năm khởi nghiệp trên quê hương, dấu chân của cô gái trẻ đã có mặt khắp cả nước và sản phẩm của HTX cũng được thị trường nước ngoài đón nhận. Năng lực sản xuất của Hợp tác xã Thương mại dịch vụ chế biến nông sản DiLin ngày càng lớn mạnh, bên cạnh sản xuất sản phẩm macca chủ đạo với sản lượng hơn 100 tấn/năm, đơn vị còn mở rộng thị trường kinh doanh bằng việc mở cửa hàng tiêu thụ sản phẩm Ocop của địa phương. Hiện cơ sở đang có 20 lao động làm việc thường xuyên với mức lương từ 6 - 9 triệu đồng/tháng. Bên cạnh việc đầu tư nâng cấp hệ thống máy móc của hợp tác xã, duy trì ổn định các vườn nguyên liệu tại địa phương, chị Phạm Thị Út còn liên kết với 5 trang trại và hơn 20 nông hộ ở các huyện Đam Rông, Bảo Lâm, Di Linh để trồng hơn 50 ha mắc ca theo hướng bán hữu cơ. Các vườn mắc ca sản xuất đạt chuẩn được hợp tác xã thu mua đảm bảo đầu ra ổn định với giá bán giao động từ 80 đến 100 ngàn đồng/kg.
Chị Hà Thị Thuỳ Linh - Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Hội phụ nữ huyện hiện có 20.091 hội viên, sinh hoạt ở 20 cơ sở trực thuộc. Để giúp hội viên có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, vươn lên ổn định cuộc sống, hàng năm, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các cơ sở hội tiến hành rà soát hộ gia đình hội viên nghèo, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ; xây dựng kế hoạch giúp đỡ phụ nữ thoát nghèo bằng việc làm cụ thể, thiết thực phù hợp với hoàn cảnh của từng hộ. Hội LHPN từ huyện đến cơ sở giữ vai trò “cầu nối”, hướng dẫn hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay, phối hợp với ngân hàng chính sách duy trì hiệu quả hoạt động của 87 tổ vay vốn với 3.736 hội viên phụ nữ vay vốn, dư nợ trên 191 tỷ đồng. Nhờ đó trong những năm qua đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Có thể nói Phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc. Nhiều chị đã vượt khó, vươn lên làm kinh tế giỏi, ổn định cuộc sống gia đình. Tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của người phụ nữ trong gia đình và xã hội, xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam và 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã trao tặng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Duy Nhã