Chị Ka Hiền thôn Kala Krọt - xã bảo Thuận là hộ gia đình đầu tiên trên địa bàn xã Bảo Thuận bước đầu xây dựng thành công mô hình nuôi dê Boer lai nhốt chuồng mang lại hiệu quả kinh tế ổn định.
Từ năm 2000, với mong muốn thoát ra khỏi cuộc sống khó khăn, bấp bênh xung quanh việc canh tác cây phê truyền thống, chị Ka Hiền đã tìm tòi, học hỏi cách thức chăn nuôi gống dê Boer lai qua sách báo cũng như được sự hướng dẫn của cán bộ hội nông dân xã, nên đã quyết định vay vốn từ bà con, họ hàng đầu tư chuồng trại hết 50 triệu đồng và mua 2 con dê mẹ đầu tiên đang mang bầu với giá hơn 10 triệu đồng để chăm sóc và nuôi sinh sản. Chị Hiền tâm sự: Khi mới bước vào chăn nuôi giống dê này cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm chăm sóc nên ảnh hưởng đến sự sinh sản của dê, dê con sinh ra yếu. Tuy nhiên, với tính cần cù và chịu khó chị Hiền không nản chí và luôn tìm hiểu phương pháp nuôi cũng như tu bổ hệ thống chuồng trại sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh, ấm về mùa đông và thoáng mát về mùa hè để cho dê phát triển ổn định và đăc biệt là chị Hiền luôn cẩn thận tiêm định kỳ các loại vaccine phòng bệnh truyền nhiễm, vì thế đàn dê của gia đình chị Hiền dần dần tăng về số lượng và phát triển ổn định
Với kinh nghiệm chăn nuôi dê hơn 10 năm, chị Hiền chia sẻ: việc thực hiện cách thức nuôi trên chuồng sàn cần phải tỉ mỉ và đảm bảo bề mặt sàn cách mặt đất khoảng 1 mét để giữ độ thông thoáng, dễ vệ sinh, máng ăn được anh làm sạch sau khi cho ăn và thường xuyên phun tiêu độc khử trùng. Thức ăn cho Boer lai bao gồm rau, cỏ, cám, ngô và sắn, mỗi ngày cho dê ăn 02 lần. Nhằm đảm bảo nguồn thức ăn cho trại dê, gia đình chị Hiền đã phá bỏ 03 sào cà phê để trồng cỏ voi và cỏ sả, các giống cỏ này có hàm lượng dinh dưỡng cao, hợp khẩu vị với dê, nhất là khi trộn thêm các phụ phẩm như ngô, cám… Nhờ chịu khó trong sản xuất, từ một người chưa hề biết gì về loại vật nuôi này, sau hơn 10 năm chăn nuôi chị Hiền đã nắm được nhiều bí quyết nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. Hiện gia đình chị Hiền đang nuôi hơn 30 con dê thương phẩm, hầu hết là giống dê Boer lai lấy thịt, dê con sau 05 tháng chăm sóc đạt tầm 40 kg sẽ cho xuất chuồng, mỗi năm gia đình chị xuất bán 04 đợt, với mức giá như thị trường hiện nay giao động từ 100-120k/1kg thịt hơi, sau khi trừ chi phí chăm sóc mỗi tháng đàn dê của gia đình chị Hiền cũng mang lại thu nhập 5-7 triệu đồng. với mức thu nhập này tuy không quá cao những so với mức sống ở vùng Đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã góp phẩn ổn định, trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày cho gia đình.
Theo ông K’BRối – PCT Hội nông dân xã bảo Thuận cho biết: với ý chí và nghị lực, dám nghĩ dám làm, gia đình chị Ka Hiền đã thực hiện thành công việc chăn nuôi dê Boer lai, đây là một trong những mô hình tiêu biểu và có triển vọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con nhân dân. Thời gian tới, xã sẽ nhân rộng mô hình này ra địa bàn để các hộ dân thực hiện theo, từ đó tạo ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân.
Với thành công bước đầu của gia đình chị Ka Hiền trong việc phát triển chăn nuôi dê Boer lai sinh sản, mô hình đã mở ra hướng chăn nuôi mới và lan tỏa phong trào cùng phát triển kinh tế từ chăn nuôi, troòng trợ đến bà con nhân dân trên địa bàn xã. Đồng thời, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp của địa phương.
Hồ Phương