Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của người dân tại địa phương, sự ra đời của Hợp tác xã (HTX) Hiệp Thành đã giúp bà con nông dân ở xã Tam Bố (huyện Di Linh) không còn phải lo lắng về đầu ra của nông sản.
Nhân công của HTX Hiệp Thành phân loại cà chua trước khi giao hàng. Ảnh: V.Quỳnh
Những ngày này, bà con nông dân ở Tam Bố đang trong không khí phấn khởi vì sau những ngày dài cà chua bị rớt giá, nay giá thành đã được nâng lên trở lại. Ông Bùi Trí Lực - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Hiện tại, bên cạnh các loại rau màu khác, hầu như mỗi hộ trong xã đều có ít nhất 1 sào đất trồng cà chua. Do đó, giá cả cà chua bấp bênh ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập và đời sống của người dân nơi đây.
Việc chuyển đổi từ diện tích lúa một vụ hay các vườn cà phê già cỗi,... sang trồng cây rau màu diễn ra mạnh mẽ tại xã Tam Bố từ đầu năm 2018 đến nay, mang lại hiệu quả cao hơn so với các loại cây trồng truyền thống tại địa phương. Nói như Chủ tịch Hội Nông dân xã, đây là một “bước ngoặt” rõ rệt không chỉ trong sản xuất, mà còn trong tư tưởng làm nông nghiệp của bà con nông dân ở một xã từ trước đến nay được biết đến là nơi toàn đất đá, là cuối nguồn nước của huyện Di Linh nên người dân phải đào hồ để có nước tưới. Khác với cây cà phê, việc trồng rau màu giúp ngày sản xuất được rút ngắn lại, thời gian cho thu hoạch nhanh và nhanh thu lại vốn, nên đây được xem là một cơ hội để xã Tam Bố tạo đà chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu tại địa phương.
Đến nay, hơn 60 ha diện tích đất sản xuất của Tam Bố đã được phủ màu xanh của đa dạng các loại rau màu như cà chua, cà tím, dưa leo,... Bà Trần Thị Thúy Kiều - Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định: Nếu như thời gian đầu, chính quyền xã phải vận động Nhân dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì hiện tại, bà con nông dân đã tự ý thức, chủ động chuyển đổi sang những loại cây họ thấy phù hợp và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, với người làm nông nghiệp, có một khó khăn vẫn chưa thể tránh khỏi là điệp khúc “được mùa mất giá”, bị thương lái mua cầm chừng và phải đổ bỏ khi không tìm được nơi tiêu thụ nông sản. Thời gian đầu, tình trạng này khiến nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tam Bố lao đao. Từ đầu năm 2019, khi HTX Hiệp Thành đi vào hoạt động, tình trạng này đã được giải quyết. Không còn lo đầu ra cho nông sản, bà con nông dân tập trung đầu tư, chăm sóc để rau củ quả đạt chất lượng và sản lượng cao, đảm bảo yêu cầu của HTX.
HTX Hiệp Thành xuất phát điểm là một điểm thu mua nông sản, do ông Bùi Quang Ánh - một trong những người đầu tiên trồng cà chua ở Tam Bố - làm chủ nhiệm. Hiện tại, HTX gồm 12 thành viên, gồm những hộ dân trồng rau màu trên địa bàn xã. Tham gia vào HTX, những hộ dân khó khăn được vay vốn để đầu tư sản xuất. Bên cạnh đó, nguồn phân, thuốc hay thị trường tiêu thụ nông sản cũng được các thành viên thống nhất để mang lại giá trị tốt nhất cho nông sản làm ra.
Tại điểm thu mua của HTX Hiệp Thành, nhân công nhanh tay phân loại cà chua, cà tím để kịp xe đến nhận. Xe ô tô thường xuyên ra vào để lấy hàng. Vừa bận rộn kiểm kê số lượng đơn hàng, chị Thương - con gái của ông Ánh vừa cho biết: Trung bình mỗi ngày, HTX xuất đi gần 30 tấn cà chua và 20 tấn các loại rau củ khác cho thị trường ở nhiều tỉnh thành. “Từ khi thành lập HTX, thị trường tiêu thụ của chúng tôi được mở rộng nên đã có thể thu mua hết nông sản của bà con tại địa phương. Mặc dù đúng là vẫn còn khó khăn khi giá cả nông sản phụ thuộc vào thị trường, nhưng người dân đã không còn lo phải đổ bỏ nông sản. Bên cạnh đó, người dân cũng đã biết rút kinh nghiệm từ các vụ mùa trước, trồng rau củ quả theo nhu cầu của thị trường ở từng thời điểm” - chị Thương cho biết.
HTX đi vào hoạt động giúp người dân an tâm và tin tưởng hơn vào đầu ra của sản phẩm, từ đó mạnh dạn hơn trong việc đầu tư để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Chị Bùi Thị Chi Hóa (40 tuổi, thôn Hiệp Thành 2) là người đã có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng rau màu, đặc biệt là cây cà chua khi gia đình chị đã gắn bó với loại cây trồng này từ cách đây 7 năm. Tuy nhiên, đến khi tham gia vào HTX, chị mới mạnh dạn mở rộng diện tích trồng. Hiện tại, gia đình chị đang có 3 ha trồng cà chua với khoảng 80.000 cây. Với sản lượng trung bình từ 8-12 tấn/sào và với mức giá bình quân 7.000 đồng/kg, gia đình chị đang có nguồn thu nhập khá ổn định.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Bùi Trí Lực, để khuyến khích nông dân trên địa bàn xã tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững, thời gian qua, xã đã kết hợp cùng huyện tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc rau màu cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, sự ra đời của HTX Hiệp Thành cũng là điều kiện để bà con nông dân phát triển cây trồng một cách ổn định, tránh tình trạng cung - cầu mất cân đối, bước đầu hình thành chuỗi liên kết để mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
VIỆT QUỲNH - baolamdong.vn