Bao năm trồng cà phê của thập niên 80, thời gian đầu đất đai còn màu mỡ, khí hậu và môi trường còn rất tốt, do đó, trong sản xuất nông nghiệp, người nông dân ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón vô cơ nhưng cây cà phê vẫn phát triển và sinh trưởng tốt, cho năng suất cà phê ổn định.
Tuy nhiên, sau thời gian dài khai thác, đất trồng cà phê dần bạc màu theo thời gian là do sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), đặc biệt là đôi lần trong năm, người nông dân đã sử dụng thuốc diệt cỏ để giảm chi phí công lao động làm cỏ,... đã tác động làm đất đai bạc màu, môi trường ngày càng ô nhiễm, sâu bệnh hại trên cây trồng phát triển, dẫn đến năng suất cà phê không cao, đặc biệt là ảnh hưởng đến môi trường sống, sức khoẻ con người.
Năm 2008, nông dân Trịnh Tấn Vinh ở thôn Tân Phú 2, xã Đinh Lạc tham gia dự án cafe bền vững ở Di Linh, ông đã tham gia Chương trình khoá học kỹ thuật chăm sóc cà phê bền vững tại huyện Di Linh. Ngay những ngày đầu học tập, ông đã nhận ra nguyên nhân đất đai bạc màu là trong chăm sóc cây cà phê nói riêng, đa số người nông dân đã sử dụng phân bón hoá học và thuốc BVTV quá nhiều làm vi sinh vật có lợi trong đất chết dần theo thời gian. Theo các chuyên gia khoa học kỹ thuật “Trồng những cây họ đậu vào vườn cà phê để cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ đất khỏi rửa trôi, xói mòn, giữ ẩm và nuôi sống những vi sinh vật có lợi cho đất". Nghe hợp lý, năm 2008, nông dân Trịnh Tấn Vinh đã tìm cây lạc dại thuộc họ đậu về trồng trên vườn cà phê nhà mình với diện tích 500m2. Qua một năm, phần diện tích cà phê có cây lạc dại đã sinh nhiều giun đất, đất giữ độ ẩm và tơi xốp, ông đã quyết định trồng nhân rộng cây lạc dại 1ha cà phê. Từ lúc lạc dại phủ kín vườn thì rệp sáp và sâu bệnh giảm dần, nông dân Vinh không phải 3 lần mang bình xịt thuốc BVTV, không phải làm cỏ 3 lần/năm; còn phân bón cho cây đã giảm 50% phân hoá học, tăng phân hữu cơ từ ủ vỏ quả cà phê có được từ thu hoạch với phân chuồng. Như vậy, ông đã giảm được chi phí ở cả 3 khâu chăm sóc, nhưng vườn cà phê ngay sau nhà luôn xanh tốt, cho sản lượng cà phê ổn định 4 tấn/ha/năm từ năm 2011 đến nay và đặc biệt quan trọng nhất đối với ông, gia đình ông là không khí mát mẻ từ vườn cà phê mang lại.
Ông Trịnh Tấn Vinh với mô hình trồng cà phê bền vững. Ảnh: N. Brừm - Báo Lâm Đồng
Hiện nay, trên diện tích 1ha cà phê, ông đã trồng xen nhiều cây (cà phê, sầu riêng, macca, thảm cỏ lạc dại) đã tạo nên vườn cà phê nhiều tầng cây là “sự cộng sinh đa tầng cây hiệu quả trên vườn cà phê”, chúng tôi khi vào thăm vườn cũng đã tận mắt nhìn thấy và cảm nhận được: tinh thần thoải mái nhờ sự mát mẻ từ sự cộng sinh đa tầng cây. Nhờ thảm cỏ lạc trên 10 năm phủ khắp diện tích 1ha ca phê, ông đã thực hiện được 2 không: không phân bón vô cơ, không thuốc BVTV, gia đình ông đã có được không gian sống trong lành, mát mẻ, tinh thần thoải mái và từ vườn cà phê cỏ lạc dại, ông đã xây dựng được sản phẩm cà phê Mật ong - Thuần Trịnh thân thiện môi trường được chứng nhận sản phẩm OCOP bao người đã biết Nông dân Trịnh Tấn Vinh một trong những gương điển hình trong phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện Di Linh.
Lê Thị Vân