Cùng trên địa bàn huyện Di Linh nhưng tùy vào từng vùng, miền và "truyền thống" làm ăn của người dân từng địa phương mà có những loại trái cây mang tính đặc thù khác nhau. Điển hình như, các xã ở khu vực phía Nam của huyện (Đinh Trang Hòa, Hòa Nam, Hòa Trung) thì có phong trào trồng sầu riêng; ngược lại, các xã phía Bắc, phía Tây (Gia Hiệp, Tân Lâm) lại có thói quen trồng các loại cây ăn trái như mắc ca, bưởi, cam, vải... Đó là chuyện thường ngày đã xảy ra tại huyện trong rất nhiều năm vừa qua. Thế nhưng, đối với xã Đinh Lạc thì chuyện người nông dân trở thành tỷ phú nhờ trồng cây sầu riêng quả là điều "không tưởng", "là một hiện tượng" mà rất nhiều người không tin như trường hợp của ông Nguyễn Văn Hóa - thường trú tại thôn Tân Phú 1, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng.
Theo chân đồng chí Trần Thị Tâm - Bí thư Đảng ủy xã Đinh Lạc và đồng chí Phạm Văn Nghị - Phó chủ tịch HĐND xã trên con đường trải bê tông, chúng tôi đến quả đồi cách quốc lộ 20 khoảng 1,5 km, là một vườn sầu riêng trải dài che khuất tầm mắt, với từng hàng cây trĩu quả nhè nhẹ lay theo chiều gió, như những tổ chim khổng lồ treo lơ lửng có thể rơi xuống đất bất kỳ lúc nào. Thấy chúng tôi ngạc nhiên đến "lạ lẫm" nhìn, đếm từng quả, từng cây, ông Hóa tâm sự: "Có được thành quả như ngày hôm nay phải trải qua cả một quá trình gian truân, dầm sương, dải nắng, cần cù, kiên trì với bao thử thách thất bại tưởng chừng không thể vượt qua được, đấy các bác ạ". Đó là vào năm 1991, khi ngoài 30 tuổi, anh cùng gia đình từ quê hương Nam Trực, Nam Định vào làm ăn sinh sống tại xã Đinh Lạc vì có bà dì họ công tác tại Trại heo giống của xã. Sau hơn 10 lăn lộn làm nhiều nghề khác nhau như đãi thiếc, đào vàng, buôn bán... nhưng không mang lại kết quả mà thậm chí còn mắc căn bệnh số rét. Do vậy, sẵn số tiền bán tài sản từ ngoài quê, anh mua được 1,5 ha đất trống. Với bản chất hay lam, hay làm của người nông dân phía Bắc, anh tiến hành canh tác các loại hoa màu (rau, củ quả) rồi trồng cà phê nhưng hiệu quả không cao, thậm chí nhiều năm thất bát "mất cả chì lẫn chài" vì điều kiện thời tiết khắc nghiệt, giá cả không ổn định, đường xá đi lại vô cùng khó khăn vì lầy lội, nhất là vào mùa mưa. Không từ bỏ khát vọng vươn lên làm giàu bằng chính bàn tay, nghị lực của mình, sau khi thăm nắm khảo sát, so sánh về tính ưu việt, hiệu quả của cây sầu riêng so với các loại cây trồng khác về tất cả mọi mặt, vào năm 2002, được Hội Nông dân xã Đinh Lạc giới thiệu, anh Nguyễn Văn Hóa mua 150 cây sầu riêng giống (loại đona). Quá trình canh tác từ đó tới nay, nhất là sau 5 năm kể từ khi cây sầu riêng bắt đầu cho thu hoạch thì hiệu quả hơn hẳn so với việc trồng các loại cây hoa màu trước kia. Cứ như vậy, đã gần 20 năm gắn bó "chung thủy" với cây sầu riêng, hiện nay anh đã mua thêm được 0,7 sào nâng tổng diện tích là 3,5 ha, với sản lượng thu hoạch khoảng 40-45 tấn/ năm; trừ các loại chi phí như phân tro, ngày công, thuốc men, vật liệu (cây sắt chống), hằng năm anh thu được khỏang 1 tỷ đồng. Đặc biệt năm 2021, do thời tiết thuận lơi, được mùa, được giá, anh Hóa thu hoạch được khoảng 50 tấn sầu riêng với giá bình quân 50.000đồng/kg, trừ các loại chi phí anh còn thu được khỏang 1,5 tỷ đồng. Và cũng từ số tiền đó anh được "xếp hạng" những nhà tài trợ tích cực trong các phong trào phúc lợi do xã Đinh Lạc và thôn Tân Phú 1 phát động.
Tiếng lành đồn xa, cái tên "Hóa sầu riêng" đã trở thành thương hiệu, bà con trong thôn đến anh để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm ngày càng nhiều. Do vậy, thể theo nguyện vọng của bà con, vào tháng 9 năm 2020, được sự giúp đỡ của cấp ủy và chính quyền địa phương "Hợp tác xã trái cây sạch xã Đinh Lạc" được thành lập do ông Nguyễn Văn Hóa làm chủ nhiệm, với 16 thành viên, tổng diện tích là 50 ha, năm 2021 đạt sản lượng 400 tấn (trong đó có một số diện tích chưa cho thu hoạch). Sự ra đời của Hợp tác xã đã trang bị cho các thành viên những kiến thức về quy trình chăm sóc, phát triển của cây sầu riêng và các loại cây ăn quả khác; giá cả thu mua đảm bảo, năng suất, chất lượng và đầu ra của sản phẩm ổn định; từ đó không ngừng nâng cao đời sống cho các thành viên. Đến nay sản phẩm của hợp tác xã đã đạt tiêu chuẩn Việt gap và đang tiến tới tiêu chuẩn Ocop.
Chia tay với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hóa vui vẻ khẳng định: "Hẹn gặp các anh chị sang năm, Hợp tác xã trái cây sạch xã Đinh Lạc và gia đình tôi sẽ không ngừng nâng cao về giá trị sản phẩm, đời sống các thành viên ngày một được cải thiện nâng cao, ấm no hạnh phúc". Điều đó cũng phù hợp với lời mong muốn của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Trần Thị Tâm: "Hy vọng rằng xã sẽ có nhiều hợp tác xã như thế này để góp phần xây dựng Đinh Lạc hoàn thành việc xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu theo chỉ tiêu Huyện ủy giao năm 2021".
Phạm Thành Đồng