Gung Ré là một xã thuần nông, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 40%, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hai năm gần đây, nhờ phương thức vận động Nhân dân của các vị già làng, người uy tín có nhiều đổi mới nên nhận thức của Nhân dân đã có những chuyển biến, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên, tạo sự thay đổi tích cực tại vùng nông thôn của huyện Di Linh.
Gung Ré giờ đây đã đổi thay nhiều nhờ việc áp dụng những mô hình điểm tại các thôn, buôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Ảnh: N.T
Ông Phạm Văn Linh - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) xã Gung ré chia sẻ: vinh dự được Ủy ban MTTQ tỉnh chọn làm xã điểm để triển khai mô hình “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ trong công tác dân tộc”, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ xã Gung Ré đã tham mưu Đảng ủy xã xây dựng thí điểm tại 3 thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Theo đó, đã xây dựng trọng tâm 3 mô hình gắn với thực tế cơ sở, chọn nội dung thiết thực, được sự hưởng ứng tích cực của bà con nhân dân. Đó là thôn K’Long Trao 1 với mô hình “Khu dân cư bảo vệ môi trường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”, thôn Lăng Kú với mô hình “Khu dân cư bảo đảm trật tự an toàn giao thông” và thôn Hàng Làng với mô hình “Khu dân cư thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang và lễ hội”. Sau 2 năm đi vào hoạt động, nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy đảng, sự phối kết hợp của chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, nhất là phát huy tốt vai trò của các vị già làng, người tiêu biểu trong đồng bào, phát huy tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, vận dụng lồng ghép tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt khu dân cư nên đến nay bước đầu đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân.
Ngay sau khi tổ chức lễ ra mắt các mô hình tại khu dân cư, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ xã đã thu thập tài liệu, văn bản liên quan đến các nội dung về môi trường, an ninh trật tự, an toàn giao thông, thực hiện nếp sống văn hóa mới... để tập trung cung cấp cho Ban công tác Mặt trận thôn, nhằm lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt, hội họp ở thôn, tổ dân phố. Ông K’Brop - Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận Thôn K’Long Trao 1 vui mừng cho biết: Từ việc thực hiện mô hình thí điểm về khu dân cư bảo vệ môi trường, bà con nhân dân trong thôn chúng tôi đã có ý thức rõ rệt. Cuối năm 2018, toàn thôn có 135/223 hộ đã đóng phí môi trường nghiêm chỉnh, với những hộ còn lại do không có đường cho xe vận chuyển rác nên Nhân dân đã tự đào hố phân hủy rác tại nhà, không để ô nhiễm môi trường xảy ra. Thôn đã có 223/223 hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; 95% các đường làng, ngõ xóm được dọn vệ sinh sạch đẹp; có 205 hộ xây dựng nhà vệ sinh, nhà tắm hiện đại, bảo đảm vệ sinh môi trường; 100% các hộ kinh doanh chế biến thực phẩm được phổ biến và chấp hành tốt quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Còn tại thôn Hàng Làng, tình hình đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân từng bước được nâng lên, mức thu nhập bình quân đầu người từ 25 triệu đến 29 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm đáng kể. Tập tục lạc hậu, không phù hợp đã dần được xóa bỏ. Tục thách cưới giảm dần còn 30 triệu đồng, nam nữ khi lấy nhau đã đi đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật, không còn trường hợp kết hôn cận huyết thống, không còn tảo hôn. Về ma chay, việc tổ chức ăn uống linh đình giảm dần, bà con đã biết đi phúng viếng, xây dựng quỹ hội theo dòng họ để giúp đỡ nhau khi gia đình trong dòng tộc có người mất, thời gian ma chay chỉ trong 3 ngày, không còn tục đưa người mất đi chào hỏi các gia đình cháu con trước khi đưa đi ra nghĩa trang.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Gung Ré Ka Sen cho biết: Trước đây, tại các thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống vật chất còn khó khăn, thu nhập còn thấp so với mặt bằng chung của các thôn người Kinh, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt dưới 28 triệu đồng/người/năm. Qua công tác tuyên truyền, vận động của các vị già làng, người uy tín, của các Bí thư - Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, Hội già làng được phát huy tốt vai trò vận động Nhân dân thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”, phát huy nét đẹp trong bản sắc văn hóa của đồng bào K’Ho. Tập trung vận động bà con phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, cho giá trị kinh tế cao. Các hủ tục lạc hậu dần bị xóa bỏ. Nhiều mô hình mới trong khu dân cư, trong thôn buôn được thành lập và đi vào hoạt động rất thiết thực. Nhận thức của Nhân dân qua đó được nâng lên đáng kể từ công tác bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm, bà con biết sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, thực hiện thu gom rác đúng nơi quy định. Nhờ có sự phối hợp đồng bộ của Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội tại các thôn, buôn trong xã nên công tác tuyên truyền, vận động đạt hiệu quả cao, tạo chuyển biến tích cực về mọi mặt với nhiều đổi thay tích cực.
Trao đổi với chúng tôi về kết quả xây dựng điểm tại Gung Ré, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Trương Thành Được cho rằng: Việc chọn xã Gung Ré để chỉ đạo điểm là chủ trương đúng đắn, sáng suốt của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Di Linh, nội dung chọn để thực hiện hoàn toàn phù hợp với thực tiễn của địa phương, cơ sở. Trong quá trình xây dựng các mô hình điểm tại thôn, buôn đã được các vị già làng, chức sắc tôn giáo gương mẫu thực hiện và tích cực tuyên truyền, vận động bà con tham gia hưởng ứng các nội dung, chấp hành các quy định. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực, toàn diện về mọi mặt, kinh tế nâng lên, trình độ nhận thức thay đổi và bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực sự khởi sắc.
NGUYỆT THU - baolamdong.vn