Di Linh được biết đến là vùng đất mang đậm dấn ấn văn hóa cồng chiêng, xác định vai trò của giáo dục về bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thời gian qua, các trường trên địa bàn huyện đã không ngừng đưa cồng chiêng vào truyền dạy trong trường học, qua đó thu hút đông đảo các em học sinh tham gia.
Trường THCS Tân Thượng với 380 em học sinh, trong đó tỷ lệ học sinh đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 90%. Nhằm bảo tồn, giữ gìn văn hóa cồng chiêng, nhà trường đã mở lớp truyền dạy và sử dụng cồng chiêng với 40 em học sinh tham gia học. Cô Nguyễn Thị Ái Diễm - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết "Qua thời gian được các nghệ nhân truyền dạy, các em đã có thể đánh được một số bài chiêng cơ bản, bên cạnh đó tạo được sự hứng thú, đam mê. Đây sẽ là tiền đề để nhà trường thành lập câu lạc bộ cồng chiêng của đơn vị và khi được biểu diễn từng nhịp chiêng trên những bộ trang phục đặc sắc của dân tộc K’ Ho các em sẽ không khỏi tự hào”.
Cô Nguyễn Thị Hồng Nhung - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đinh Lạc cho biết “Nhà trường có khoảng 30% số học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số đang theo học. Những năm qua nhà trường đã quan tâm tới giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống, nhất là truyền dạy sử dụng cồng chiêng cho các em học sinh, thông qua việc mời các già làng, nghệ nhân về giảng dạy. Đến nay trường đã thành lập được Câu lạc bộ cồng chiêng với 20 em học sinh tham gia. Qua đó các em nâng cao hiểu biết và ý thức giữ gìn bản sắc của dân tộc mình, đồng thời có cơ hội được giao lưu, biết và tôn trọng văn hóa của dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. Tự hào về nhiều học trò của trường sử dụng thành thạo cồng chiêng”.
Chia sẻ của em Mhiu Lang Bích lớp 9A4, thành viên Câu lạc bộ Cồng chiêng trường THCS Đinh Lạc “Việc được tham gia Câu lạc bộ cồng chiêng của trường giúp em hiểu thêm về nét đẹp văn hóa của người K’ Ho. Qua việc luyện tập, biểu diễn cồng chiêng sẽ giúp em được giao lưu, học hỏi với nhiều bạn khác cũng như học được các bài chiêng cơ bản từ các già làng”.
Cồng chiêng được coi là linh hồn trong đời sống văn hóa, tâm linh của dân tộc K’ Ho ở Tây Nguyên. Trong quá trình đưa cồng chiêng vào trường học, những nghệ nhân, già làng, người có uy tín cùng đồng hành truyền dạy cho học sinh. Qua đó, giúp hoạt động bảo tồn, giữ gìn văn hoá cồng chiêng của nhà trường đi vào chiều sâu. Đặc biệt, hình thành sợi dây kết nối giữa trường học với cộng đồng. Trong nhịp sống hiện đại, sự giao thoa văn hóa của mọi vùng miền và sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội ngày càng mạnh mẽ. Điều này phần nào khiến thế hệ trẻ dần xa rời giá trị văn hoá truyền thống. Do vậy, vai trò của ngành giáo dục trong nâng cao ý thức bảo tồn, giữ gìn văn hoá cồng chiêng cho học sinh rất quan trọng. Nhờ tham gia các hoạt động trong trường, số học sinh biết đánh cồng chiêng trên địa bàn huyện ngày càng tăng. Đây là một trong những giải pháp góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của nhân loại do chính các em học sinh, thế hệ tương lai là người tiếp nối và được trao truyền.
Duy Nhã