Văn hóa Tây Nguyên luôn có một sức hấp dẫn, độc đáo riêng, khiến những ai lên với vùng đất cao nguyên Di Linh đều yêu mến và say mê. Để gìn giữ sức sống lâu bền ấy, bằng tình yêu của mình các nghệ nhân và những người dân bình dị ở các buôn, làng đã và đang giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.
Về với vùng đất Gung Ré, khi hỏi về văn hóa cồng, chiêng chúng tôi được giới thiệu đến gặp nghệ nhân K’ Keo, hiện là Bí thư chi bộ thôn Hàng Làng, xã Gung Ré. Dù đã 64 tuổi, song ông K’ Keo vẫn luôn rực cháy trong mình ngọn lửa đam mê văn hóa cồng, chiêng. Ông K’ Keo chia sẻ: Cồng, chiêng là một đặc trưng văn hóa của người K’ ho, gắn liền với cuộc đời mỗi người và báo hiệu chuyện vui, buồn trong bản, làng. Người K’ ho tin rằng không có âm thanh nào vang xa bằng tiếng cồng, chiêng và lúc sống cũng như lúc mất, tiếng cồng, chiêng luôn trong tâm thức của họ. Tuy nhiên trong sự phát triển của xã hội đã tác động không nhỏ đến văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa Tây Nguyên, trong đó có cồng, chiêng. Đau đáu trước nguy cơ văn hóa truyền thống dần mai một, ông K’ Keo đã miệt mài “truyền lửa” cho các thế hệ con cháu. Đến nay ông đã truyền dạy cồng chiêng cho 40 người trẻ trên địa bàn xã và thành lập nên 1 đội cồng chiêng xã Gung Ré với 17 thành viên. Bên cạnh đó, ông đã đưa cồng, chiêng vào các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, những lễ hội của địa phương.
Còn đối với Bà H’ Ai - thôn Đồng Đò, xã Tân Nghĩa lại chọn cho mình một hướng đi riêng. Những năm qua, bà H’ Ai luôn được xem là người truyền cảm hứng cho chị em và con cháu của mình biết hát những làn điệu dân ca của dân tộc. Đến nay, bà H’ Ai đã sưu tầm và thuộc khá nhiều bài hát thuộc các thể loại hát ru, dao duyên, đối đáp... với những nội dung ca ngợi tình yêu đôi lứa, mẹ con, ca ngợi đất nước và lao động sản xuất. Giọng ca trầm ấm được bà H’ Ai thể hiện một cách truyền cảm, mượt mà, sâu lắng, luôn để lại ấn tượng cho người nghe, giúp cho thế hệ trẻ càng hiểu hơn giá trị tinh thần về vốn văn hóa của dân tộc. Bà H’ Ai cho biết: “Từ nhỏ tôi đã đã yêu thích và đam mê các bài hát dân ca của dân tộc K’ ho, vì vậy tôi đi sưu tầm từ những người già, người lớn tuổi biết nhiều về hát dân ca, tôi mong muốn trong thời gian tới tiếp tục truyền đạt lại những bài hát dân ca cho các thế hệ trẻ để lưu giữ những làn điệu dân ca của dân tộc mình”.
Tương tự, từ niềm đam mê, tâm huyết với văn hóa truyền thống và mong muốn phát huy những nét đẹp bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số, nhiều năm qua anh K’ Chi Hoa - thôn 4, xã Đinh Trang Thượng vẫn luôn miệt mài sưu tầm lưu giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc để truyền dạy lại cho con cháu. Anh K’ Chi Hoa cho biết: Hồi còn nhỏ, anh đã yêu thích văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc. Sau khi lập gia đình, được bố mẹ vợ để lại cho ngôi nhà sàn dài truyền thống cùng với kho đựng thóc và những vật dụng sinh hoạt của người dân tộc Mạ như: cối giã gạo, gùi, bộ cồng chiêng 6 chiếc và 100 chiếc chum chóe đã được anh K’ Chi Hoa cùng vợ sắp xếp ngăn nắp và lưu giữ cẩn thận. Không chỉ lưu giữ văn hóa dân tộc Mạ, anh Hoa còn bắt đầu tìm hiểu, sưu tập hiện vật khá đồ sộ về đời sống sinh hoạt, tôn giáo, tín ngưỡng của một số dân tộc thiểu số. Anh dành một phần diện tích căn nhà anh mới xây và một phần lớn diện tích ngôi nhà sàn để làm “bảo tàng” trưng bày với khoảng 120 hiện vật được anh lưu giữ, sưu tầm và trưng bày như: bộ săn bắt trên cạn của dân tộc Raglai; bộ nhạc cụ, bộ dụng cụ sản xuất và vật dụng sinh hoạt trong gia đình của dân tộc Mạ... Không những vậy, anh còn học và có thể giao tiếp cơ bản một số tiếng của dân tộc Mạ, Raglai, Chăm, Chu Ru vừa để phục vụ cho công việc sưu tầm, vừa để tìm hiểu văn hóa của các dân tộc này. Không chỉ có niềm đam mê, sưu tầm và lưu giữ và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, anh K’ Chi Hoa luôn gìn giữ nghề đan gùi truyền thống của dân tộc mình.
Trong xã hội hòa nhập, phát triển, hiện đại như ngày nay, bên cạnh các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, rất cần những người tâm huyết, các nghệ nhân, ý thức của người dân, cộng đồng để lưu giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc Tây Nguyên. Khi còn lễ hội truyền thống, còn nếp nhà dài xưa... thì tiếng cồng, tiếng chiêng sẽ còn được ngân vang; lúc đó, từ người già cho đến thế hệ trẻ có dịp gặp gỡ, giao lưu qua những bài hát dân gian, diễn tấu cồng chiêng hòa cùng với nhịp điệu múa truyền thống của dân tộc.
Hà Thiết