Ngôi nhà khá khang trang với nhiều tiện nghi, ngụ tại cạnh sân vận động thôn Kao Kuil, xã Đinh lạc, là chủ sở hữu của vợ chồng ông K’Brel. Sinh năm 1967, hiện có 4 người con (người con gái lớn đang công tác tại trường Tiểu học xã Bảo Thuận; 2 người con đang theo học đại học tại thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đắc Lắc; người con út đang học trung học phổ thông) và cũng trưởng thành từ vùng đất giàu truyền thống yêu quê hương đất nước, cần cù lao động hăng say trong sản xuất của người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên, ông K’Brel, gắn liền cả cuộc đời với ruộng nương của cha ông để lại; mà một trong những nghề chủ lực, “gia truyền” không thể thiếu được, đó là trồng lúa nước. Mặc dù có những năm nghề trồng lúa thất bát vì thời tiết khắc nghiệt hạn hán.
Khi được hỏi vì sao việc trồng lúa rất vất vả, tốn kém có nhiều vụ không mang lại hiệu quả song vẫn cứ canh tác. Ông K’Brel tâm sự: “ Vẫn biết rằng thực tế là như vậy nhưng đã bao đời nay tập quán canh tác lúa nước là một thói quen không thể bỏ được vì nó đã ngấm sâu vào tiềm thức của người dân tộc gốc Tây Nguyên chúng tôi vì cho rằng cây lúa là nguồn lương thực duy nhất nên cái nghèo vẫn bám theo nhiều hộ gia đình”. Đến năm 2017, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã Đinh Lạc, sự vận động tuyên truyền của các ban ngành, đoàn thể từ xã đến thôn, về chuyển đổi đất trồng lúa một vụ kém hiệu quả sang trồng ngô làm thức ăn cho bò sữa. Lúc đầu, ông cùng gia đình và bà con rất phân vân, lo lắng: trồng lúa đã khó khăn, thất bát nếu trồng ngô( nghề mới) liệu có mang lại hiệu quả hay không? Nếu thất bại lấy tiền đâu mà đền cho công ty ViNamilk như hợp đồng đã ký kết? Song “ mưa dầm thấm lâu”, trước sự vận động tuyên truyền của các cấp, sau quá trình đắn đó suy nghĩ, ông K’Brel hiểu ra sự kém hiệu quả trong việc trồng lúa: chỉ canh tác được một vụ vì phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết khi khô hạn, rất lãng phí đất. Chính vì thế, năm 2017, ông đã mạnh dạn chuyển đổi trồng 5 sào đất trồng lúa sang trồng ngô; sau thời gian khỏang 2 tháng rưỡi, cho thu nhập được trên 43 triệu đồng, gấp 4 lần so với trồng lúa. Thấy được hiệu quả đó, năm 2018, ông tiến hành chuyển đổi thêm 05 sào thành một ha từ trồng lúa sang trồng ngô làm nguyên liệu thức ăn cho bò sữa. Nhờ việc xóa bỏ nếp nghĩ lối mòn đó, từ năm 2017 đến nay, gia đình ông đã vươn lên khá giả: nuôi các con ăn học; mua sắm được các phương tiện đắt tiền ( xe máy, máy cày, ti vi…).
Từ kết quả việc làm của mình, ông K’Brel đã tích cực kiên trì giải thích, tuyên truyền, vận động, thuyết phục bà con trong dòng họ và nhân dân thôn xóm, thấy được lợi ích của việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô. Do vậy, hiện nay, toàn thôn Kao Kuil đã chuyển đổi được gần 10 ha từ trồng lúa sang trồng ngô, đời sống người dân từng bước được cải thiện, góp phần cùng xã Đinh Lạc về đích nông thôn mới và hiện nay đang xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
Thành Đồng