Với ý chí quyết tâm, thời gian qua, ông K’Ðơn ở thôn Lăng Kú, xã Gung Ré, huyện Di Linh luôn tích cực đi đầu trong lao động sản xuất, làm kinh tế hiệu quả, từ đó vận động bà con cùng làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Ông K’Đơn luôn quan tâm đến bảo tồn văn hóa truyền thống. Ảnh: L.P
Trước đây, đời sống kinh tế của bà con ở thôn Lăng Kú chủ yếu phụ thuộc vào canh tác lúa rẫy nên đời sống còn rất khó khăn. Cho đến khi chuyển sang trồng cà phê, gia đình ông K’Đơn cũng như nhiều bà con khác lại thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất. Là người trí thức từng giữ chức Chi hội trưởng Hội Nông dân, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn và nay là người có uy tín, nên ông K’Đơn luôn dành nhiều thời gian tìm hiểu các tài liệu, sách báo về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Ngoài ra, ông còn tích cực đi tham quan, học hỏi mô hình sản xuất có hiệu quả trong và ngoài huyện; tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi giống cây trồng. “So với trước kia, hiện nay sản xuất cà phê có nhiều thuận lợi hơn. Người nông dân không những được tập huấn, tiếp cận với kiến thức khoa học kỹ thuật, giống mới, mà còn được hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất” - ông K’Đơn cho hay.
Với 3 ha đất sản xuất, ngoài 3,5 sào chè, còn lại là cà phê, đến nay gia đình ông K’Đơn đã chuyển đổi toàn bộ diện tích giống cũ sang trồng giống cà phê TR4, xanh lùn bằng hình thức ghép chồi và tái canh; đồng thời trồng xen khoảng 150 cây mắc ca. Ông K’Đơn chia sẻ: “Làm cà phê quan trọng nhất là quy trình chăm sóc. Do đã được áp dụng quy trình kỹ thuật trong chăm sóc nên những năm gần đây năng suất cà phê của gia đình được tăng lên, bình quân sản lượng đạt 12 tấn cà phê nhân/năm. Những gì bản thân làm được, tôi đều chia sẻ kinh nghiệm và vận động bà con trong thôn làm theo”.
Từ lao động sản xuất, ông K’Đơn đã có điều kiện đầu tư cho con cái học hành, vật dùng sinh hoạt trong gia đình, trang bị nhiều máy nông cụ phục vụ sản xuất như xe máy cày, máy bơm nước, máy phun thuốc… và năm 2017 ông đã đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng ngôi nhà mới khá khang trang.
Ông K’Đơn chia sẻ thêm, trước đây thôn Lăng Kú là một trong những thôn thuộc diện nghèo của xã được hưởng Chương trình 30a. Toàn thôn hiện có 198 hộ chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. Điều mà ông mừng nhất hiện nay là nhận thức của bà con từng bước được nâng cao. Sau khi Đảng, Nhà nước có Chương trình 30a giảm nghèo nhanh và bền vững, đầu tư phát triển kinh tế ở các thôn nghèo, xã nghèo... bà con không chỉ được hỗ trợ phân bón, các nông cụ sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi..., mà còn được trang bị kiến thức khoa học - kỹ thuật, tiếp cận nguồn vốn vay ủy thác tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư phát triển sản xuất. Đến nay, bà con đã biết chủ động trong phát triển kinh tế gia đình. Nhiều hộ đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, nên bà con đã thoát khỏi cuộc sống nghèo khó và có “của ăn, của để”, xây dựng nhà cửa khang trang. Hiện toàn thôn chỉ còn vài hộ nghèo.
Với vai trò, trách nhiệm của mình, ngoài tuyên truyền, vận động bà con nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, ông K’Đơn còn quan tâm đến việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống; tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ các hủ tục lạc hậu không còn phù hợp làm cản trở sự phát triển của buôn làng như tục thách cưới, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống và luôn nhắc nhở người dân nâng cao ý thức, giáo dục con cái cần cảnh giác với tai tệ nạn xã hội, nhất là ma túy đã len lỏi đến các địa bàn dân cư.
Phó Chủ tịch UBND xã Gung Ré K’Brổ cho biết: “Bà con trên địa bàn xã biết đến ông K’Đơn không chỉ bởi ông là tấm gương sản xuất giỏi của xã, mà còn là người rất nhiệt tình đối với cuộc sống cộng đồng dân cư. Ông luôn gần gũi, động viên, sẵn sàng chia sẻ với bà con về kinh nghiệm hay trong sản xuất. Với uy tín và cương vị của mình, tiếng nói của ông càng có trọng lượng và giá trị nhiều hơn, đã góp phần phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới tại địa phương”.
LAM PHƯƠNG - baolamdong.vn