Thể hiện truyền thống đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, những năm qua, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và của toàn xã hội, công tác chăm sóc người có công trên địa bàn huyện Di Linh đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Bằng những việc làm thiết thực của huyện đã góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người có công.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Di Linh hiện có gần 3.000 đối tượng người có công, trong đó có 954 người đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Những năm qua việc giải quyết các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình người có công với cách mạng đã được huyện Di Linh triển khai đầy đủ, kịp thời. Trong các dịp lễ, Tết và kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến xã, thị trấn trên địa bàn huyện luôn có những việc làm thiết thực như: Thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, người có công; tổ chức dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ; thực hiện các chế độ chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với người có công; quan tâm giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho con em gia đình chính sách... nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống đối với các gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công đã hy sinh xương máu, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Riêng trong dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2023), huyện Di Linh đã thành lập 6 Đoàn thăm 110 đối tượng người có công tiêu biểu tại 19 xã, thị trấn trên địa bàn huyện và tổ chức viếng và Thắp nến tri ân tại Nghĩa trang Liệt sỹ huyện.
Là gia đình người có công tiêu biểu, được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo huyện Di Linh cùng chính quyền địa phương thăm, tặng quà nhập dịp 76 năm ngày thương binh liệt sỹ, ông Dương Văn Quang - thôn 7, xã Hòa Ninh nói: “Những năm qua các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương huyện Di Linh nói chung và xã Hòa Ninh nói riêng luôn tạo điều kiện cho gia đình tôi phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần, thăm hỏi, động viên, tặng quà đến các gia đình chính sách trong các dịp lễ, tết hay trong ngày Thương binh liệt sỹ”.
Bên cạnh đó, các địa phương trong huyện Di Linh cũng tích cực phát động phong trào chăm sóc người có công, chăm lo ổn định đời sống thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, nhất là đối tượng chính sách neo đơn, già yếu. Cùng đó, các ban, ngành, địa phương trên địa bàn huyện cũng thực hiện hỗ trợ trong giáo dục - đào tạo, mỗi năm bình quân chi trả cho khoảng 16 lượt học sinh, sinh viên là con của đối tượng chính sách với kinh phí hơn 140 triệu đồng; thực hiện cấp hơn 3.500 thẻ BHYT cho đối tượng chính sách và thân nhân của họ theo quy định.
Thêm một hoạt động nổi bật trong công tác đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn huyện thời gian qua, đó là hàng năm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tham mưu Ban Quản lý quỹ Đền ơn đáp nghĩa huyện ban hành văn bản vận động và đôn đốc thu quỹ đền ơn đáp nghĩa. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đã tích cực hưởng ứng và đóng góp cho Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Bà Trần Thị Hoa – Phó Trưởng Phòng Lao động thương binh và Xã hội huyện Di Linh cho biết: Từ đầu năm 2023 đến nay Ban quản lý quỹ Đền ơn Đáp nghĩa huyện đã tổ chức họp xét, hỗ trợ xây mới cho 04 đối tượng và sửa chữa nhà ở cho 10 đối tượng người có công, gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn với tổng số kinh phí là 450 triệu đồng từ nguồn kinh phí quỹ đền ơn đáp nghĩa của huyện. Ngoài ra, Ban quản lý quỹ đền ơn đáp nghĩa huyện đang tiếp tục rà soát đối với 10 trường hợp có đơn đề nghị để tổ chức họp xét, hỗ trợ trong thời gian tới.
Là vợ liệt sỹ và có hoàn cảnh hết sức khó khăn, bà Thái Thị Thanh ở thôn Đăng Rách, xã Gung Ré được Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng hỗ 80 triệu đồng và UBND huyện hỗ trợ 50 triệu đồng được trích từ quỹ Đền ơn đáp nghĩa của huyện để xây dựng căn nhà cấp 4 có diện tích sử dụng gần 60m2. Bà Thanh cho biết: “Khi có căn nhà mới bà rất vui mừng phấn khởi. Tôi cảm ơn các ban, ngành, chính quyền địa phương huyện Di Linh đã quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện cho tôi có căn nhà cấp 4 kiên cố, ổn định cuộc sống”.
Việc chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn huyện Di Linh là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Đây là trách nhiệm, tình cảm của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Từ những việc làm cụ thể, thiết thực đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, góp phần bồi đắp truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.