Trong những năm qua, Hội LHPN huyện đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực mang lại những kết quả tích cực trong việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế góp phần đáng kể vào công tác giảm nghèo tại địa phương.
Thực hiện công tác an sinh xã hội với cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội LHPN huyện duy trì việc thực hiện nhận ủy thác tại Ngân hàng chính sách xã hội cho hội viên phụ nữ nghèo vay vốn để phát triển kinh tế. Tính đến 30/6/2021, Hội đang quản lý 90 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ toàn huyện trên 138 tỷ tăng 51 tỷ so với đầu nhiệm kỳ, có 3.687 hộ vay giảm 72 hộ so với đầu nhiệm kỳ, nợ quá hạn 39,73 triệu đồng (chiếm tỷ lệ 0,028.%), giảm 34,27 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ. Tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Di Linh, Hòa Ninh, tính đến tháng 6/2021 có 4 đơn vị, quản lý 12 tổ với dư nợ hơn 3,9 tỷ đồng cho 156 hộ vay.Hội tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình tổ hùn vốn, tiết kiệm; tính đến hiện tại có 458 tổ hùn vốn, tiết kiệm với 10.749 hội viên tham gia với số tiền hơn 9 tỷ giúp gần 2.000 hội viên vay không lãi hoặc lãi suất thấp.
Hưởng ứng “Ngày gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo”, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo Hội LHPN cơ sở truyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và Nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia, kết quả có 95 cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia gửi tiết kiệm được 2,042 tỷ đồng. Phong trào thi đua tiết kiệm ủng hộ quỹ “Vì phụ nữ nghèo” tiếp tục thực hiện, tính đến hiện tại số tiền quỹ là trên 1,280 tỷ, đã giải ngân 1,092 tỷ cho hơn 1.000 lượt hội viên (trong đó có 300 lượt hội viên dân tộc) để chăm sóc cây trồng, buôn bán nhỏ; đã hỗ trợ hội viên xây 52 mái ấm tình thương với số tiền 735 triệu đồng.
Hoạt động dạy nghề và giới thiệu việc làm cho phụ nữ luôn được tổ chức Hội quan tâm nhằm giúp chị em có công việc thường xuyên tăng thu nhập kinh tế gia đình, cũng chính là đòn bẩy tạo đà cho hội viên vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần không nhỏ vào công tác giảm nghèo tại địa phương. Hội LHPN huyện đã chỉ đạo Hội LHPN cơ sở khảo sát nhu cầu tìm việc làm của chị em để giới thiệu cho các Công ty, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài huyện có nhu cầu tuyển dụng lao động đã giới thiệu 608 chị có công việc ổn định; Phối hợp với các ngành chuyên môn mở 30 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp 1.161 chị em tiếp cận và mạnh dạn áp dụng các kiến thức, kỹ thuật mới vào sản xuất; 01 lớp dạy nghề móc len cho 30 chị; Tuyên truyền, vận động chị em tích cực tham gia Hội chợ việc làm hàng năm do UBND huyện tổ chức để có cơ hội tìm kiếm việc làm.
Hàng năm, duy trì hoạt động “Hỗ trợ 90 phương tiện sinh kế cho hội viên phụ nữ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số”. Đây là hoạt động không chỉ hỗ trợ về vật chất cho hội viên phụ nữ nghèo mà còn là hoạt động về tinh thần mang tính nhân văn cao cả, khơi dậy ý chí, nghị lực của chính bản thân hội viên phụ nữ nghèo muốn vươn lên phát triển kinh tế mang lại cuộc sống đầy đủ cho gia đình. Hội LHPN huyện đã hỗ trợ tiền mặt, hiện vật con giống, công cụ dụng cụ cho 15 hội viên với tổng số tiền 75 triệu đồng từ nguồn quỹ đồng hành cùng phụ nữ biên cương do cơ sở đóng góp.
Thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” được Hội tuyên truyền rộng rãi nên đã thu hút nhiều cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia viết các ý tưởng khởi nghiệp. Kết quả có 04 ý tưởng được chọn vào vòng 2 và 1 ý tưởng đạt giải khuyến khích “Hoa lan rừng-đam mê sưu tầm, bảo tồn, nhân giống và kinh doanh các dịch vụ chăm sóc hoa lan của chị Ka Hương- chuyên trách cơ quan Hội LHPN huyện”; Đồng thời hỗ trợ kinh phí cho 03 chị hiện thực hóa ý tưởng: Sản xuất lúa, gạo “Hương ruộng”; Tổ liên kết đánh bắt, thu gom và cung cấp thủy sản sạch, an toàn Thúy Anh; Tổ liên kết sản xuất hạt điều của chị Ka Lịu - xã Gia Bắc. Vận động được 05 chị tham gia CLB Nữ doanh nhân tỉnh Lâm Đồng... Bên cạnh đó, Hội luôn quan tâm duy trì, nhân rộng mô hình xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”; các mô hình tổ hùn vốn, tiết kiệm, Dự án “Thúc đẩy tài chính toàn diện vì PNDTTS” để hỗ trợ phụ nữ phát triển.
Thông qua các hoạt động cụ thể, thiết thực trên, đã có hơn 6.000 phụ nữ hộ nghèo, cận nghèo được giúp, qua bình xét đã có 1.840 chị thoát nghèo trong đó 223 chị là hội viên phụ nữ.
*Để phát huy hơn nữa hiệu quả của việc hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt một số giải pháp cụ thể:
1.Khảo sát, nắm đối tượng phụ nữ nghèo theo các tiêu chí mới đa chiều, phụ nữ nghèo làm chủ hộ có địa chỉ, phân tích nguyên nhân nghèo của từng hộ; phụ nữ nghèo theo mức thiếu hụt; khả năng tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để thoát nghèo bền vững.
2. Tiếp tục chỉ đạo Hội phụ nữ xã, thị trấn xây dựng kế hoạch giúp phụ nữ nghèo theo tiêu chí đa chiều, có chỉ tiêu, giải pháp cụ thể; tiếp tục vận động hội viên và cộng đồng tham gia các phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, mô hình “5 giúp 1”, và các hình thức tiết kiệm khác.
3. Tranh thủ các nguồn lực và đẩy mạnh các phương thức hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Giúp hội viên tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, chú trọng việc hỗ trợ, hướng dẫn phụ nữ tham gia học nghề phù hợp từng đối tượng, từng địa phương.
4. Phối hợp nâng cao công tác dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho phụ nữ; chú trọng phụ nữ nông thôn, phụ nữ đơn thân, tàn tật, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ tôn giáo. Gắn kết chặt chẽ các hoạt động hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm với hoạt động giảm nghèo bền vững....
Có thể nói, trong những năm qua, Hội LHPN huyện đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực; xây dựng các mô hình với nhiều hình thức, cách làm khác nhau nhằm chia sẻ, động viên hỗ trợ chị em phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, góp phần mang lại những kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo tại địa phương.
Hà Linh