Thời gian gần đây, tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Di Linh diễn biến hết sức phức tạp, số ca mắc bệnh nhập viện điều trị tăng cao. Tại một số địa bàn “điểm nóng” nguy cơ bùng phát dịch rất cao. Trong khi ngành y tế “căng mình” chống dịch thì vẫn còn một số nơi các địa phương chưa thực sự vào cuộc quyết liệt, một bộ phận nhân dân chủ quan, lơ là với dịch bệnh.
Theo Trung tâm Y tế huyện, thời gian gần đây số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn huyện tăng nhanh và vượt ngưỡng dự báo dịch. Đến nay, toàn huyện ghi nhận 298 ca mắc sốt xuất huyết tại 17 xã, thị trấn với 47 ổ dịch, tăng cao so cùng kỳ. Tại thị trấn Di Linh địa bàn có số ca sốt xuất huyết cao nhất của huyện với 75 ca. Dù các ổ dịch sốt xuất huyết được xử lý triệt để và kịp thời nhưng số ca mắc vẫn tiếp tục tăng nên thị trấn Di Linh đã phối hợp với ngành y tế đã tổ chức phun hóa chất trên diện rộng tại các tổ dân phố có ca bệnh cao như: Tổ dân phố 7, Ka Ming, Tổ 15…. Qua kiểm tra, giám sát dụng cụ chứa nước tại hộ dân có lăng quăng tăng rất cao vì còn một bộ phận người dân chưa thay đổi hành vi về phòng, chống sốt xuất huyết.
Lực lượng y tế xuyên đêm phun xịt xử lý các ổ dịch sốt xuất huyết
Tổ dân phố Ka Ming với 473 hộ dân với 2.073 nhân khẩu, trong đó người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 99%. Ông Dong Dor Sinh - Bí thư Chi bộ tổ dân phố cho biết “Ngay sau khi trên địa bàn phát hiện các ca bệnh, tổ dân phố đã phối hợp với Trạm Y tế, Trung tâm Y tế huyện triển khai phun khử khuẩn bằng phương pháp diệt loang quăng, bọ gậy với mục tiêu, chủ động khống chế, không để dịch phát triển và lan rộng trên địa bàn, 100% hộ gia đình trong bán kính 200m tổ chức tổng vệ sinh diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi lần 1 và lần 2. Bên cạnh đó tăng cường công tác tuyên truyền để giúp bà con nhận thức đúng, đủ về nguy cơ và tác hại của dịch bệnh sốt xuất huyết, nhằm tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng”.
Anh K’Byis - thôn K’Rot Đơng, xã Bảo Thuận cho biết “Mấy ngày nay, xung quanh nhà muỗi nhiều quá. Xịt thuốc rồi mà vẫn còn muỗi, nhất là lúc chạng vạng. Kiểm tra nhà anh, nhân viên y tế thấy xung quanh nhà có rất nhiều dụng cụ chứa nước, mở mỗi dụng cụ đều phát hiện có lăng quăng. Được nhân viên y tế tư vấn anh mới hiểu nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết và những giải pháp để phòng ngừa bệnh”.
Bác sỹ Lê Thành Quang - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện chia sẻ “Các ca bệnh sốt xuất huyết được phát hiện thường do tâm lý chủ quan của người dân như ngủ không mắc màn, thực hiện chứa nước không có nắp đậy dẫn đến muỗi có chỗ trú ngụ để sinh sôi nảy nở. Hiện nay Trung tâm Y tế huyện đang triển khai lực lượng tổ chức khoanh vùng dập dịch đối với các địa phương dịch phức tạp như: thị trấn Di Linh, các xã: Bảo Thuận, Đinh Lạc, Tam Bố và Hoà Ninh. Cả tuần nay, nhân viên y tế không quản ngày đêm, ngày lễ để phun xịt sốt xuất huyết tại các địa phương xuất hiện ổ dịch. Đoàn liên tục thay phiên vận hành máy phun cỡ lớn và 02 máy phun cỡ nhỏ đến tận hộ dân vừa tuyên truyền, hướng dẫn vừa phun hóa chất diệt muỗi. Thế nhưng vẫn còn người dân chần chừ không hợp tác, không dọn vệ sinh nhà cửa, loại bỏ dụng cụ chứa nước có lăng quăng. Ở khu vực trung tâm buôn bán, nhiều nhà không đồng ý phun hóa chất vì sợ ảnh hưởng kinh doanh, có nhà khóa cửa chúng tôi không phun được. Vì vậy bên cạnh sự vào cuộc ngành chức năng thì ý thức cũng như sự chủ động trong việc phòng chống dịch sốt xuất huyết của người dân cũng hết sức quan trọng trong việc khống chế và đẩy lùi dịch bệnh”.
Để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng, ngành y tế khuyến cáo nhân dân vệ sinh môi trường sạch sẽ, làm hạn chế tối đa nơi sinh sản và phát triển của muỗi bằng cách thu gom, lật úp, dọn dẹp dụng cụ chứa nước không cần thiết; dụng cụ phế thải phải được thu gom hoặc chôn lấp đúng cách. Đồng thời, đậy nắp kín, thau rửa thường xuyên dụng cụ chứa nước sinh hoạt; diệt lăng quăng 2 lần/tuần, với thông điệp “Không có lăng quăng - không có sốt xuất huyết”.
Duy Nhã