Thời tiết diễn biến thất thường trong thời gian qua khiến 501 ha cà phê trên địa bàn huyện Di Linh bị rệp gây hại, với tỷ lệ 15,7 – 33,3 %/ chùm quả. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp huyện Di Linh đã và đang phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ, xử lý rệp sáp trên cây cà phê, nhằm tránh lây lan ra diện rộng.
Gia đình anh Vũ Văn Bật – thôn Hàng Hải, xã Gung Ré cho biết: Gia đình anh có hơn 3 ha cà phê đang nuôi dưỡng quả non thì có đến 25% diện tích cà phê bị rệp sáp gây hại, rải rác trong vườn cà phê, với nhiều mức độ khác nhau. Sau khi phát hiện rệp sáp, gia đình anh đã mua thuốc đặc trị diệt trừ rệp sáp về phun.
Phun xịt nước trước khi tiến hành phun thuốc
Tương tự, gia đình ông Đỗ Văn Tân, ở thôn 6, xã Hòa Ninh có hơn 1 ha cà phê, trong đó có khoảng 30% diện tích cà phê của gia đình bị rệp sáp gây hại. Những ngày này, khi tưới nước cho cà phê, ông Tân dùng vòi nước phun mạnh vào cành, chùm quả non để làm bể lớp sáp, sau đó ông mới phun thuốc nhằm loại trừ rệp sáp. Theo ông Tân, rệp sáp tấn công các chùm trái non để chích hút nhựa cây. Khi bị nhiễm rệp sáp nặng, trái cà phê sẽ phát triển chậm. Nếu không diệt trừ kịp thời, chùm trái sẽ khô hỏng, ảnh hưởng đến năng suất vụ tới.
Bệnh rệp sáp thường xuất hiện vào thời điểm cây cà phê đang nở hoa cho đến hết mùa vụ thu hoạch, trong đó giai đoạn rệp sáp gây hại mạnh nhất là vào mùa khô và đầu mùa mưa. Chúng thường bám vào chồi non, cành lá, chùm quả, thân rễ để hút nhựa cây gây khô héo, rụng bông, rụng quả non. Cây cà phê bị rệp sáp gây hại nặng thường xuất hiện lớp nấm muội đen bao phủ, làm giảm khả năng quang hợp khiến lá úa vàng, quả khô dần rồi rụng nhiều. Rệp sáp gây hại làm tổn thương cuống quả tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập gây thối, rụng quả hàng loạt. Trường hợp cây bị nặng, gặp nắng nóng kéo dài có thể khô héo, dẫn đến chết cây. Chị Ka Nhung – Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh cho biết: “Huyện Di Linh có 46.446,3 ha cà phê. Thời điểm này, cây cà phê đang trong giai đoạn ra hoa và nuôi dưỡng quả non, tuy nhiên, hiện nay 501 ha cà phê trên địa bàn huyện bị rệp sáp gây hại, với tỷ lệ 15,7 – 33,3% /chùm quả, phân bố rải rác tại các vườn cà phê trong toàn huyện và có khả năng lây lan trên diện rộng nếu không ngăn chặn kịp thời. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại trên cây cà phê, ngành nông nghiệp huyện Di Linh phối hợp với các địa phương theo dõi, nắm bắt chặt chẽ diễn biến các loại sâu bệnh; đồng thời hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ rệp sáp, không để lây lan diện rộng”.
Tiến hành phun thuốc điều trị rệp sáp
Để phòng trừ rệp hại trên cây cà phê, bên cạnh sự vào cuộc khẩn trương, tích cực của các ngành chức năng cùng với chính quyền địa phương thì cần sự cần sự phối hợp của người dân trong việc chủ động, thường xuyên kiểm tra vườn cà phê để phát hiện và phòng trừ sớm rệp sáp, cần phun trừ đồng loạt, triệt để rệp sáp nhằm hạn chế lây lan trên diện rộng.
Hà Thiết