Mới chỉ hơn 03 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn huyện Di Linh đã ghi nhận tới 191 ca bệnh sốt xuất huyết (SXH). Số ca bệnh tăng nhanh do thời tiết nồm ẩm là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn sinh sôi và phát triển, bên cạnh đó tâm lý chủ quan của người dân cũng là nguyên nhân dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, gây rất nhiều khó khăn cho ngành chức năng trong công tác phòng chống dịch.
Ngành Y tế triển khai phun hoá chất phòng chống dịch sốt xuất huyết
Khoa Nhi Trung tâm Y tế huyện Di Linh đang điều trị cho 5 cháu mắc SXH. Bác sỹ chuyên khoa 1 Vòng Vĩnh Quay chia sẻ, thời gian qua do dịch sốt xuất huyết gia tăng, mỗi ngày khoa Nhi tiếp nhận 2 đến 3 ca nhập viện, ngày cao điểm lên đến 5 đến 6 ca. Cũng theo bác sỹ Quay “SXH là bệnh truyền nhiễm vi rút Dengue cấp tính do muỗi truyền từ người bệnh sang người lành thông qua việc đốt và hút máu của muỗi. Diễn biến lâm sàng bệnh SXH rất đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng, bệnh thường khởi phát đột ngột và qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Các ca sốt xuất hiện ở trẻ dạng thể nhẹ thường bị nhầm lẫn với các bệnh như sốt, cảm hoặc phát ban đỏ, do đó người dân cần chủ động xét nghiệm kịp thời tại các cơ sở y tế nếu có các triệu chứng như sốt cao đột ngột, không đáp ứng thuốc hạ sốt”.
Thị trấn Di Linh nơi ghi nhận nhiều ca SXH nhất của huyện với 52 ca bệnh, tăng 43 ca so với cùng kỳ. Dịch SXH tăng nhanh phần lớn do tâm lý chủ quan của người dân, xem nhẹ về bệnh. Bà Phạm Thị Sâm – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Di Linh chia sẻ, khi phát hiện ổ dịch tại tổ dân phố 7, địa phương đã phối hợp với ngành Y tế tổ chức khoanh vùng dập dịch nhưng gặp rất nhiều khó khăn do đây là khu vực đông người tập trung mua bán và tâm lý chủ quan về bệnh sốt xuất huyết của người dân. Bệnh SXH rất dễ bùng phát do đó nhân dân cần nhận thức đúng, đủ về nguy cơ và tác hại của dịch bệnh SXH, nhằm tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Bác sỹ Lê Thành Quang - Giám đốc Trung tâm y tế huyện Di Linh khuyến cáo, bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn hết sức phức tạp. Để tích cực, chủ động phòng chống bệnh cho bản thân, gai đình và mọi người xung quanh người dân cần thực hiện các biện pháp như: đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không thể vào đẻ trứng; hàng ngày cần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; lật úp các dụng cụ không chứa nước, thay nước của bình hoa và loại bỏ các vật liếu phế thải nơi trú ngụ của muỗi; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng chống muỗi đốt và tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hoá chất phòng chống dịch, diệt lăng quăng bọ gậy.
Bệnh Sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc đặc trị, khi chuyển biến nặng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong, Để công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết có hiệu quả, ngăn chặn sự lây lan trên diện rộng, bên cạnh các hoạt động chuyên môn của ngành Y tế cần sự chung tay của cả cộng đồng và ý thức tự giác ngay từ chính thói quen sinh hoạt của mỗi người dân là một trong những yếu tố quyết định để ngăn ngừa dịch gia tăng.
Duy Nhã