Với sự cần cù, chịu khó học hỏi, tận dụng khí hậu phù hợp của địa phương cũng như áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, anh Đoàn Đức Anh - thôn 1 xã Hoà Bắc đã thành công với mô hình nuôi cấy lan rừng, đem lại thu nhập 1 tỷ đồng mỗi năm.
Tốt nghiệp khoa xây dựng trường đại học giao thông vận tải TPHCM anh Đoàn Đức Anh đã có nghề nghiệp ổn định. Thế nhưng với mong muốn ước mơ khởi nghiệp tại quê nhà năm 2018 anh đã vay mượn 50 triệu đồng để xây dựng mô hình trồng lan rừng bằng nuôi cấy mô. Anh Đức Anh chia sẻ: Sau khoảng thời gian sưu tầm các chủng loại lan rừng tự nhiên. Thấy nguồn lan rừng ngày càng hiếm và có nguy cơ mất gốc, anh mạnh dạn lên ý tưởng, học hỏi bạn bè và bắt đầu nuôi, cấy lan. Hơn 1 năm tìm hiểu, nghiên cứu và thử nghiệm thành công, anh bắt đầu đầu tư phòng nuôi, cấy mô, ống nghiệm và một số trang thiết bị khác. Cũng theo Đức Anh việc nuôi, cấy lan đòi hỏi phải có sự đam mê, kiên trì, tỉ mỉ, nếu không, lan rất dễ bị nhiễm khuẩn chết hàng loạt. Mô được nuôi, cấy trong phòng lạnh và được tiệt trùng. Đầu tiên phải khử mẫu, chọn lọc hạt lan, sau đó tiến hành gieo hạt trong môi trường dinh dưỡng, độ ẩm, không khí, ánh sáng thích hợp để mầm phát triển. Sau 4-6 tháng, khi cây con phát triển hoàn chỉnh, kích thước trung bình 5-10cm/cây thì có thể xuất bán cho người trồng. Cũng theo anh Đức Anh những ngày đầu bước vào nghề làm lan cấy mô, do chưa am hiểu nhiều về kỹ thuật nuôi cấy mô, trồng lan nên gặp không ít khó khăn do lan bị nhiễm bệnh. Nhưng mình cứ kiên nhẫn lặng thầm tìm nguyên nhân để khắc phục. Cuối cùng anh cũng chọn lọc được một số giống lan cấy mô cho ra ngoài để chiết và cho sinh trưởng trong môi trường tự nhiên sống khỏe mạnh, được nhiều khách hàng ưa chuộng đặt mua. Ưu thế của nuôi lan cấy mô là tạo ra một số lượng lớn lan trong diện tích nhỏ, tạo ra giống lan sạch bệnh trong thời gian ngắn. Ngoài ra, với những giống lan cấy mô khi bán giá thành rẻ hơn nhiều so với các giống lan khai thác ngoài tự nhiên. Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi lan cấy mô không tốn nhiều thời gian chăm sóc, không tốn nhiều phân thuốc nên người đam mê trồng hoa lan có thể áp dụng làm theo. Bằng phương pháp ứng dụng khoa học công nghệ cao như hiện nay nên nhu cầu người tiêu dùng giống lan rừng ngày càng nhiều.
Nhờ bước đầu thành công anh Đức Anh đã đầu tư thêm 2,2 tỷ đồng để mở rộng cơ sở nuôi cấy cũng như vườn ươm. Đến nay anh đã xây dựng được phòng mô với diện tích 1.200m2 và hai vườn ươm với diện tích 6 ngàn m2. Nhiều loại lan rừng bản địa đang được nuôi cấy như: Kiều Vuông Lộc Bắc, Kiều Mỡ Gà Lâm Đồng, Kiều Tím Yên Tử, Kiều Dẹt, Đenro XuânAnh Đức Anh cho biết lan rừng được nuôi cấy mô tùy theo từng giai đoạn mà có giá khác nhau. Cây mô có giá 5 ngàn đồng còn cây sau khi được tách ra, trồng, chăm sóc, sinh trưởng và phát triển thì mỗi chậu có giá từ 100 – 250 ngàn đồng. Nhờ mức giá phải chăng nên các giống lan nuôi cấy mô của anh được nhiều khách hàng trên cả nước ưa chuộng. Mỗi năm gia đình anh thu về khoảng gần 2 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí cho lãi ròng trên 1 tỷ đồng. Ấp ủ của anh Đức Anh trong thời gian tới sẽ xây dựng được tổ hợp tác trồng lan rừng bằng nuôi cấy mô, xây dựng được thương hiệu cũng như bảo tồn được giống lan quý hiếm và sẵn sàng giúp đỡ chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều bạn trẻ muốn lập nghiệp bằng mô hình này. Đến nay mô hình trồng lan nuôi cấy mô của gia đình anh Đoàn Đức Anh cũng tạo được công ăn việc làm cho 6 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định khoảng 6,5 triệu đồng/tháng.
Hoa lan là loại cây cảnh vừa mang tính giải trí, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong khi nhu cầu hoa lan trên thị trường ngày càng phổ biến, nhất là hoa lan rừng. Mô hình của anh Đoàn Đức Anh cho thấy vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa bảo tồn được nguồn lan rừng tự nhiên cũng như tạo ra hướng đi mới cho nhiều thanh niên trên địa bàn xã. Đây cũng là một trong những mô hình khởi nghiệp của thanh niên có nhiều triển vọng, có thể nhân rộng trên địa bàn trong thời gian tới.
Duy Nhã