Ủy ban nhân dân huyện vừa giao Trung tâm Nông nghiệp làm chủ đầu tư hỗ trợ chứng nhận 20 vùng trồng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP trong năm 2025 đối với cây cà phê, sầu riêng, mắc ca, lúa, cà chua và cà phê trồng xen trên địa bàn, tổng kinh phí thực hiện là 525 triệu đồng.

Vùng nguyên liệu lúa Đà Thơm tại xã Bảo Thuận
Theo đó, các mô hình sản xuất VietGAP được xây dựng gồm: 14 vùng trồng cà phê với diện tích 34,7 ha; 2 vùng trồng cà chua, hơn 2,8 ha; 1 vùng trồng lúa, hơn 14,6 ha; 1 vùng trồng sầu riêng, diện tích 5 ha; 1 vùng trồng cà phê xen sầu riêng với diện tích 6 ha và 1 vùng trồng mắc ca diện tích 2,5 ha. Các diện tích được lựa chọn vùng trồng cây sầu riêng, cà phê, mắc ca, lúa, cà chua phải đảm bảo đang trong giai đoạn kinh doanh ổn định và được cấp chứng nhận VietGAP trong năm 2025; Diện tích tối thiểu từ 1 ha trở lên đối với cây cà phê, mắc ca, sầu riêng; từ 0,5 ha trở lên đối với cây lúa; từ 0,2 ha trở lên đối với cây cà chua.
Việc xây dựng vùng trồng nông nghiệp VietGAP nhằm nâng cao chất lượng, giá trị các loại cây trồng trên địa bàn huyện, từng bước mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu, phát triển bền vững ngành nông nghiệp địa phương.
Duy Nhã