Chiều 12/01/2025, ngay sau khi phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc kết thúc, Ban Chỉ đạo Xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức cuộc họp trực tuyến quán triệt đến các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thái Học và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Hồng Thái chủ trì cuộc họp. Tham dự có Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phạm Triều, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan. Tham dự tại điểm cầu huyện Di Linh có đồng chí Đinh Văn Tuấn - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện; đồng chí Trần Đức Công, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện.
Tại cuộc họp, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đối với đời sống của người dân, đồng thời yêu cầu các cấp, ngành liên quan thực hiện quyết liệt theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các địa phương cần rà soát chính xác số lượng nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn, xác định rõ thời gian hoàn thành và cam kết tiến độ. Theo thống kê, tỉnh Lâm Đồng hiện còn 1.042 căn nhà tạm, trong đó 946 căn phải hoàn thành trong năm 2025. Các huyện như: Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm có số lượng nhà cần xây dựng nhiều nhất. Đồng chí đề nghị hoàn thiện rà soát số liệu trước ngày 20/01 và ngay từ đầu năm 2025, nguồn tài chính cho chương trình phải được chuyển về để bảo đảm tiến độ. Mục tiêu là hoàn thành việc xây dựng nhà cho các hộ nghèo trong quý III năm 2025.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Thái đã đề xuất tập trung nguồn lực tài chính để triển khai chương trình xóa nhà tạm, đồng thời kêu gọi huy động nguồn lực xã hội hóa. Đồng chí cũng chỉ rõ, vướng mắc lớn nhất hiện nay là thủ tục về đất đai, đặc biệt là đối với các hộ nghèo chưa có sổ đỏ. Để giải quyết vấn đề này, đề nghị lãnh đạo các huyện, thành phố phải hoàn thành thủ tục đất đai cho các hộ nghèo trong quý I năm 2025.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu huyện Di Linh
Tại Hội nghị các huyện, thành phố đã báo cáo tiến độ thực hiện chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn trong thời gian qua. Đồng chí Trần Đức Công, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện báo cáo tiến độ chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện Di Linh. Theo đó,các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã thành lập Ban chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát để chỉ đạo, đôn đốc công tác xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn; đến nay đã có 19/19 xã, thị trấn thành lập Ban chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Kết quả rà soát sơ bộ nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện năm 2024, 2025 là: 540 hộ; trong đó có 414 hộ xây mới, 126 hộ sửa chữa. Tổng số hộ được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện thẩm định phê duyệt hỗ trợ triển khai xây mới trong thực hiện xoá nhà tạm, nhà dột nát: 252 hộ. Tổng số hộ sau khi được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện phê duyệt hỗ trợ xây mới đã tiến hành xây nhà là 233 căn, trong đó có 180 căn đã được giải ngân hỗ trợ kinh phí. Thẩm định và hỗ trợ sửa chữa 41 hộ, hiện đã có 17 hộ triển khai sửa chữa và có 05 hộ đã được giải ngân kinh phí hỗ trợ. Ngoài ra, thông qua các nhà tài trợ, mạnh thường quân và nguồn quỹ “Vì người nghèo” huyện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện đã triển khai hỗ trợ xây mới 25 căn nhà đại đoàn kết. Thông qua thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi, đã triển khai hỗ trợ xây mới cho 40 hộ, nguồn Công ty Điện lực Lâm Đồng 01 căn xây mới cho hộ nghèo; nguồn Bệnh viện Nhi đồng II, TP HCM hỗ trợ 01 căn nhà xây mới cho hộ cận nghèo.
Kết luận cuộc họp, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thái Học nhấn mạnh, cần phải thực hiện nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát bằng cái tâm, vì mục tiêu nhân văn, nhân ái. Đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng của Tỉnh ủy trong năm 2025 và phải hoàn thành trước Đại hội Đảng các cấp. Đặc biệt, Quyền Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND từ cấp xã đến cấp huyện phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc chỉ đạo thực hiện và bảo đảm tiến độ. Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ là một cam kết chính trị mà còn là nhiệm vụ cụ thể, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Ban Chỉ đạo tỉnh cũng sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện và báo cáo kết quả hàng tuần theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tất cả các thành viên Ban Chỉ đạo sẽ được phân công nhiệm vụ cụ thể và chịu trách nhiệm về tiến độ thực hiện ở từng địa bàn. Mục tiêu chung là xóa 946 căn nhà tạm, nhà dột nát trước Đại hội Đảng cấp tỉnh và cấp huyện, thành phố, đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch và cam kết. Đây là một nhiệm vụ cấp bách, cần sự quyết tâm cao từ các cấp lãnh đạo và sự đồng lòng của toàn xã hội.
Duy Nhã