Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Di Linh, từ năm 2022 đến nay, toàn huyện đã tổ chức đào tạo nghề nông thôn cho gần 1.000 lao động người dân tộc thiểu số từ nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đào tạo nghề đan lát tại xã Đinh Lạc
Cụ thể, toàn huyện đã tổ chức đào tạo hơn 50 nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, phù hợp nhu cầu thị trường lao động và xu hướng phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Nhờ đó tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2024 trên địa bàn đạt trên 77%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ hơn 29%. Dự kiến đến hết tháng 12 năm 2025, toàn huyện tuyển mới đào tạo nghề cho hơn 4.000 người/năm. Riêng tỷ lệ học sinh, sinh viên, học viên nữ học nghề trên 50% trong tổng chỉ tiêu tuyển mới hằng năm. Đồng thời đào tạo lại, đào tạo thường xuyên khoảng 30% lực lượng lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt hơn 30%.
Có thể thấy, đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thay đổi nhận thức, thói quen canh tác, tác phong làm việc của người lao động theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, giúp người lao động không chỉ nâng cao trình độ tay nghề mà còn tăng cao về thu nhập, ổn định cuộc sống.
Duy Nhã