Ngày 01/7, Đội Quản lý Hành chính về trật tự xã hội Công an huyện Di Linh đã bắt đầu triển khai cấp thẻ căn cước cho 3 nhóm: trẻ từ 0-6 tuổi, từ 6-14 tuổi và từ 14 tuổi trở lên và chứng nhận căn cước cho người Việt Nam chưa xác định được quốc tịch theo Luật Căn cước.
Từ 08 giờ sáng rất đông người dân từ các xã, thị trấn đã đến Công an huyện để làm thủ tục cấp căn cước. Chị Nguyễn Hoàng Thuỳ Trang - Tổ 12, thị trấn Di Linh, chia sẻ: Tôi biết hôm nay tại đây làm căn cước theo luật mới qua thông báo của cơ quan chức năng trên Zalo nên tới đây từ sớm. Tôi cho rằng việc thu nhận sinh trắc học như mống mắt sẽ giúp thông tin cá nhân của tôi được bảo mật cao hơn, các giao dịch liên quan đến tiền bạc sẽ an toàn hơn. Đồng thời nay tôi cũng dẫn 2 con đến để làm căn cước luôn. Việc cấp căn cước cho trẻ dưới 14 cũng rất nhanh gọn, từ nay khi có thông tin được tích hợp gia đình đi đâu đỡ phải rườm rà mang giấy khai sinh, thẻ BHYT hay giấy xác nhận. Đây là việc làm rất thuận lợi cho người dân.
Với em Nguyễn Thị Minh Thư – 14 tuổi, xã Hoà Trung cho biết: Cảm thấy ấn tượng với cách tư vấn, hỗ trợ của cán bộ chiến sỹ Công an huyện nên chỉ mất thời gian ngắn, rất nhanh gọn em đã hoàn thành việc thu nhận thông tin để làm căn cước công dân.
Luật Căn cước có hiệu lực từ 01/7/2024 quy định nhiều điểm mới, trong đó quy định việc thu thập thông tin sinh trắc học mống mắt khi công dân đến làm thủ tục cấp thẻ căn cước. Việc thu thập thông tin sinh trắc học mống mắt để làm cơ sở đối soát, xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người, trong các trường hợp khuyết tật, vân tay bị biến dạng. Trung tá Trần Ngọc Khánh Ly - Phó Đội trưởng Đội Quản lý Hành chính về trật tự xã hội Công an huyện cho biết: Dữ liệu về mống mắt có khả năng chính xác cao, giúp người dân tránh các trường hợp giả mạo khuôn mặt, video giả mạo khi định danh, xác thực cho các giao dịch trực tuyến. Bên cạnh đó trẻ dưới 14 tuổi là đối tượng được mở rộng làm căn cước theo quy định và chứng nhận căn cước cho người Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Việc triển khai Luật Căn cước 2023 đáp ứng yêu cầu chính đáng của công dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân khi sử dụng thẻ Căn cước hoặc sử dụng thông qua bố, mẹ, người giám hộ đối với trường hợp công dân dưới 14 tuổi giao dịch thiết yếu phục vụ cuộc sống như việc đi lại, học tập, tiêm chủng và khám chữa bệnh. Công an huyện, cán bộ chiến sỹ xác định rõ trách nhiệm trong triển khai thực hiện công tác thu nhận hồ sơ cấp Căn cước cho công dân, Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống trên địa bàn huyện bảo đảm dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống” và kịp thời, thống nhất, hiệu quả đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Việc triển khai thực hiện Luật Căn cước sẽ góp phần xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ sở dữ liệu Căn cước phục vụ hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội. Có thể thấy, những thay đổi mới theo Luật Căn cước sẽ làm giảm giấy tờ cho người dân, tạo thuận lợi trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính đồng thời phục vụ tốt hơn công tác quản lý nhà nước về dân cư trong thời gian tới.
Duy Nhã