Di Linh, mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, thắm đượm tình người, là nơi mà sau khi xâm lược nước ta (1858), người Pháp đã chọn làm thủ phủ của tỉnh Đồng Nai Thượng vì khí hậu rất thuận lợi trong việc trồng các loại cây lâu năm như trà, cà phê, dâu tằm; với diện tích tự nhiên trên 160.000 km2, dân số khoảng 175.000 người, đã và đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư và khách du lịch, nhất là du lịch sinh thái, góp phần “đánh thức” những tiềm năng sẵn có nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết của Huyện ủy về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2022.
Quả thật đúng như vậy, vào những ngày trong tháng Giêng âm lịch của xuân Nhâm Dần năm 2002 này, chúng tôi rất may mắn được “du xuân” của hầu hết các xã trong huyện. Ở bất cứ nơi đâu, từ các xã phía nam hay phía bắc, các xã vùng sâu, vùng xa hay là xã chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên, dường như ai cũng muốn “níu kéo” những sắc xuân ở lại trên những chậu mai, cành đào, những bông hồ điệp rực rỡ, để tiếp tục hòa chung không khí vui tươi, hồ hởi khi các điều kiện thuận lợi thật khéo gặp nhau trong những ngày đầu xuân này “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Điều đó được minh chứng bằng thực tế: Vào ngày 29 tháng Chạp, tức là 30 ngày Tết, vì tháng Chạp âm lịch chỉ có 29 ngày, trận “mưa vàng” trên diện rộng đã gột rửa những bụi bặm trong năm cũ, trút bỏ những lo toan nhọc nhằn sau một năm lam lũ vất vả, đem về không khí dịu mát, trong sạch trước thêm năm mới; tiếp đó ngày mồng 03 Tết thiên nhiên lại ban tặng một cơn mưa để củng cố niềm vui của người dân. Và gần đây nhất, vào các buổi chiều ngày 21, 22 tháng 02/2022, tuy không lớn nhưng những cơn mưa trái mùa lại mang đến nỗi mừng vui trong những ngày mà cha ông ta thường nói “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Sự “ưu ái” ấy của thiên nhiên đã trút bớt gánh nặng từ rất nhiều năm cho người nông dân mà lâu nay hầu như một “mặc định” luôn nơm nớp lo sợ phải ăn Tết ở ngoài nương rẫy vì tưới cà phê. Bên cạnh đó, niên vụ cà phê năm 2021-2022 vừa được mùa lại được giá, trung bình khoảng trên 40.000đồng/kg, lại càng nhân đôi niềm vui cho con người. Đồng thời, trong những ngày giáp tết, tại trụ sở các UBND xã, bà con thuộc các hộ nghèo, gia đình chính sách, rủ nhau đi nhận quà từ chính sách ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa và của các mạnh thường quân, nhà hảo tâm; với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau, nhà nào cũng có Tết. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã được từng bước ngăn chặn trở về trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả. Tất cả tạo nên những thanh âm của mùa xuân cây cối đâm chồi nảy lộc, ra hoa kết trái, báo hiệu một mùa màng bội thu, một cuộc sống no hạnh phúc.
Chia sẻ niềm vui này, ông Vũ Hồng Phúc, người có uy tín, từng giữ nhiều chức vụ chủ chốt, hiện là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Tân Lâm, tâm sự: “Đã lâu lắm rồi, có lẽ vào khoảng chục năm, mới có cái tết hội tụ nhiều yếu tố gọi là thiên thời địa lợi như thế này. Đặc biệt là những cơn mưa trái mùa đã tiết kiệm rất nhiều tiền của, công sức cho người dân, nhất là trong lúc giá xăng dầu lên cao như thế này; giá như không có dịch bệnh Covid-19 thì còn vui biết mấy. Song những yếu tố như mưa thuận, gió hòa; được mùa được giá ấy cũng là những “đặc ân”, là niềm vui khôn xiết đối với người nông dân. Chúng tôi tin rằng, cứ đà này cùng với sự lãnh đạo quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và truyền thống lao động cần cù thì năm 2022 sẽ hứa hẹn nhiều thắng lợi mới”. Đó cũng là tâm trạng chung của hầu hết tất cả mọi người dân sinh sống trên địa bàn huyện.
Những chia sẻ trên của ông Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Tân Lâm là hoàn toàn có cơ sở thực tế. Bởi vì, theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cho thấy trên 45.000 ha diện tích cà phê nếu không nhờ trời mưa thì phải chi phí cho việc tưới trong một vụ, ít nhất khoảng 7.000.000 đồng/ha, với tổng số tiền khỏang 315 tỷ, đây là con số rất lớn mà có lẽ nhiều người phải ngỡ ngàng ngạc nhiên. Trao đổi với chúng tôi, về vấn đề nay, đồng chí Vũ Hồng Long, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện chia sẻ: “Với thời tiết thuận lợi như thế này thì có lẽ kế hoạch chống hạn năm 2022 không khả thi, đồng nghĩa với việc phòng nông nghiệp chúng tôi phải “ thất nghiệp” trong công tác chống hạn”.
Ngoài những yếu tố thuận lợi của thiên nhiên và giá cả thị trường như đã nêu ở trên, một điều kiện tiên quyết không thể thiếu được là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền huyện. Đó là ngay từ những ngày đầu năm, Huyện ủy Di Linh đã tổ chức Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt các Nghị quyết chuyên đề, Chương trình của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng thời ban hành Nghị quyết số 09-NQ/HU, ngày 13/12/2021 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2022, với những chỉ tiêu phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương.
Dưới sự quan tâm lãnh đạo thường xuyên, sát sao của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, kết hợp với thực tiễn hiện tại là những vườn cà phê xanh tốt trải dài hút tầm mắt phủ đầy màu hoa trắng ngát hương thơm ngào ngạt, những vườn mắc ca đua nhau ra quả, những vườn sầu riêng nhẹ nhàng đung đưa theo chiều gió… cùng với Khu du lịch thác Bobla đã và đang đi vào hoạt động, khu du lịch sinh thái Trang Mỹ Đạt, thuộc thác Liliang chuẩn bị đưa vào sử dụng, sẽ là những địa chỉ thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Tất cả hội nhập, hòa quyện với nhau đem lại niềm tin thắng lợi trong năm 2022 để xây dựng quê hương Di Linh ngày càng giàu đẹp, văn minh, đúng như nội dung của một bài hát “Mùa cà phê thơm ngát đợi chờ, vẫn yêu em cô gái quan họ, đến Di Linh người ở đừng về…”.
Phạm Thành Đồng