Thời điểm này, nông dân huyện Di Linh đang bước vào cao điểm mùa thu hoạch cà phê niên vụ 2023. Để việc thu hái cà phê đảm bảo tỷ lệ quả chín cao, tiếp tục xây dựng thương hiệu “Cà phê Di Linh”, ngành nông nghiệp địa phương khuyến cáo bà con nông dân chỉ tiến hành thu hái đúng kỹ thuật, không thu hái trái xanh, trái non.
Gia đình anh Phạm Văn Nghĩa, thôn Lộc Châu 3, xã Tân Nghĩa có 3,5 ha cà phê. Năm nào gia đình anh cũng phải thuê 5 người ở theo tháng để thu hoạch cà phê làm 2 đợt. Đợt 1, gia đình anh lựa chọn những quả chín để hái tỉa, còn đợt 2, gia đình anh sẽ hái hết khi quả chín đạt khoảng 90%. Từ thực tế vườn cây của gia đình, anh Nghĩa cho rằng giá trị nông sản không chỉ phụ thuộc phương pháp trồng và chăm sóc mà còn ở cách thu hoạch. Đối với vườn cà phê của gia đình, nhờ để tỷ lệ quả chín đạt hơn 90% mới thu hoạch nên năng suất và sản lượng tăng cao.
Tương tự gia đình ông Đỗ Kim Bản, thôn Lộc Châu 3, xã Tân Nghĩa có 1,8 ha cà phê. Hiện nay, cà phê đã chín, ông đang thực hiện hái chọn những cây có tỷ lệ quả chín cao. Năm nào cũng vậy, ông chia làm hai đợt thu hoạch cà phê khác nhau. Đợt đầu thường là lao động của gia đình, hái lựa những cây quả chín nhiều trước. Đợt hai khi vườn cà phê chín rộ thì thuê thêm 4 - 5 công lao động địa phương để hái đồng loạt. Ông không thu hái quá xanh, non hoặc để chín quá làm khô rụng, dẫn đến giảm chất lượng sản phẩm. Sau khi hái, ông phơi quả ngay, không chất đống lại dễ làm phát sinh nấm mốc. Ông Bản cho biết: “Nếu người dân hái xanh tỷ lệ 60%, 40% trái chín thì sẽ hao hụt, giảm trọng lượng đi khoảng 20%. Nếu tỷ lệ 30% trái xanh, 70% trái chín thì trọng lượng giảm đi khoảng 15%”.
Theo chị Vũ Hoàng Anh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Nghĩa: Hiện toàn xã Tân Nghĩa có 2721 ha cà phê. Thời điểm này, người dân trên địa bàn xã đang tập trung thu hái cà phê. Để đảm bảo người dân thu hái cà phê đạt tỷ lệ quả chín cao, cấp ủy, chính quyền xã Tân Nghĩa đã lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê phân loại tỷ lệ quả chín hái chọn bằng nhiều đợt, hoặc, để vườn cây có tỷ lệ quả chín cao mới thu hoạch đại trà nhằm góp phần nâng cao chất lượng cà phê nhân xuất khẩu.
Có 6 ha cà phê cho thu hoạch vụ này, anh K’Chi Hoa - thôn 4, xã Đinh Trang Thượng cho biết: “Gia đình tôi cũng nhận được khuyến cáo từ chính quyền địa phương về việc không được thu hái cà phê quả xanh để nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu.Vì vậy, những ngày nay gia đình tôi đang thu hái tỉa những cây cà phê đã chín”.
Huyện Di Linh hiện có trên 45.600 ha cà phê. Cà phê là cây trồng chủ lực, kinh tế mũi nhọn của huyện. Trong những năm qua, mặc dù Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo và giao các ngành chức năng hướng dẫn thực hiện nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng thu hái cà phê xanh, non. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau như: về nhận thức, áp lực về lao động, tình trạng mất an ninh trật tự, mất trộm cà phê vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi,... nên một số hộ dân ở các địa phương vẫn còn tình trạng thu hái cà phê xanh, non làm tổn thất sản lượng trong mùa thu hoạch, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, chất lượng và nhãn hiệu cà phê Di Linh. Trước thực trạng trên huyện Di Linh nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm góp phần bảo đảm chất lượng, giảm tổn thất sản lượng cà phê. Theo đó, các phòng, ban, đơn vị thuộc huyện và UBND các xã, thị trấn đã chủ động tuyên truyền, hướng dẫn đến từng thôn để bà con tiến hành thu hái cà phê đúng quy trình kỹ thuật. Trong đó, chú trọng khuyến cáo bà con không thu hái cà phê xanh; không để quả cà phê chín quá sẽ bị rụng và tổn hao chất lượng quả cà phê; chỉ thu hái những quả chín hoặc vừa chín tới, trong đó chú trọng các chỉ tiêu và tỷ lệ thu hái phù hợp với từng phương pháp chế biến khô, bán khô hoặc ướt và theo các đợt thu hái… Đồng thời, không sử dụng các loại hóa chất độc hại trong chế biến cà phê nhằm đảm bảo chất lượng cà phê. Huyện Di Linh cũng tiến hành rà soát, thống kê các điểm thu mua cà phê tươi, có cam kết không được thu mua cà phê quả còn xanh, non và có biện pháp xử lý nghiêm đối với những điểm thu mua vi phạm theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, thị trường tiêu thụ cà phê ngày càng yêu cầu cao về tiêu chuẩn chất lượng, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Do đó, nếu người dân vì lợi nhuận trước mắt, không thay đổi tập quán canh tác, thu hoạch cà phê xanh, non thì đồng nghĩa sẽ không có cơ hội nâng cao giá trị kinh tế, về lâu dài ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của chính những người nông dân trồng cà phê.
Hà Thiết