Là một trong hai thôn đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên bản địa của xã Đinh Lạc, thôn Duệ không chỉ được biết đến với những nét văn hóa truyền thống đặc sắc mà ở đấy còn có những người con DTTS tận tâm, nhiệt tình, trách nhiệm, vì thôn, vì thế hệ con cháu, họ là người nổi lửa, truyền đam mê cho thế hệ trẻ, giúp bà con bản địa lưu giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của người K’ ho.
Thôn Duệ có 254 hộ với 1.533 nhân khẩu, trong đó người đồng bào K’ ho chiếm trên 98%. Nói đến lưu giữ nét đẹp văn hóa người K’ ho tại thôn Duệ phải nói đến nghệ nhân ưu tú K’ Tiếu. Với niềm đam mê văn hóa truyền thống, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, nghệ nhân ưu tú K’ Tiếu, đã luôn giữ lửa, lan tỏa niềm đam mê bằng cách truyền dạy sử dụng cồng chiêng cho thế hệ trẻ tại địa phương và giới thiệu đến đồng bào dân tộc trên mọi miền tổ quốc. Với ông còn sức là còn cống hiến sức mình để truyền dạy cho con cháu biết sử dụng cồng chiêng, giúp họ hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của cồng chiêng trong đời sống văn hóa của người Kơ Ho, để từ đó lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của đồng bào mình.
Đoàn nghệ nhân thôn Duệ tham gia ngày hội văn hóa huyện Di Linh
Với bà Ka Ệp, người đã thổi hồn vào tre nứa. Đưa đôi tay nhanh thoăn thoắt thực hiện các công đoạn đan gùi,bà chia sẻ: để hoàn thiện một sản phẩm như gùi, rổ, rá… yêu cầu rất nhiều công đoạn như đi lấy lồ ô, tre, nứa ở trên rừng. Sau đó, nghệ nhân phải chẻ ra nhiều nan nhỏ mới tiến hành được đến bước đan. Đối với các sản phẩm có yêu cầu họa tiết, hoa văn thì khâu chuẩn bị phải tốn nhiều thời gian nhiều hơn và thường được đan xen các loại sợi len bông. Đến nay nghề đan lát đã được bà Ka Ệp truyền dạy lại cho con cháu và người dân trên địa bàn thôn.
Nghệ nhân đan lát Ka Ệp thôn Duệ xã Đinh Lạc
Ông Trương Quốc Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Lạc cho biêt, thôn Duệ hiện nay vẫn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc trưng, phong phú của người dân bản địa gốc Tây Nguyên. Cùng với sự phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, ở đây đã và đang lưu giữ những điệu múa xoan, cồng chiêng, đan lát hay nghề truyền thống làm rượu cần. Thôn có 2 đội cồng chiêng phục vụ văn hóa văn nghệ, các hội nghị, lễ hội trong và ngoài huyện và làng nghề đan lát được UBND tỉnh công nhận với 51 thành viên.
Trong xu thế hội nhập và phát triển, để phát huy bản sắc văn hóa DTTS, thời gian tới, xã Đinh Lạc xác định tiếp tục tập trung phát huy vai trò người uy tín để truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. Chính những tâm huyết của những người uy tín như ông K’ Tiếu, bà Ka Ệp sẽ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên.
Duy Nhã