Di Linh là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trong những năm qua được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc. Do đó kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến, đời sống người dân không ngừng được nâng lên. Tuy nhiên vẫn còn những phong tục, tập quán lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được xóa bỏ. Thực hiện chương trình công tác năm 2018, từ ngày 10/7/2018 đến ngày 12/7/2018 Ban Chỉ đạo xây dựng toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã (Tam Bố, Gia Hiệp, Hòa Bắc, Liên Đầm, Tân Châu và Gung Ré) tổ chức đợt tuyên truyền, vận động về xây dựng nông thôn mới, từng bước xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên với các nội dung cụ thể như:
1. Tuyên truyền về xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư
* Vận động nhân dân không cho con cái tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vì như vậy sẽ dẫn đến trùng huyết thống, ảnh hưởng đến nòi giống, thể chất con cháu sau này, như suy dinh dưỡng, dễ mắc phải những căn bệnh như: Bệnh Down, bạch tạng hoặc da bị vảy cá, thiểu năng, trí tuệ không phát triển, giảm tuổi thọ…
* Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc cụ thể:
+ Trong đám cưới: Không thách cưới rườm rà, tốn kém vì như vậy sẽ gây khó khăn cho gia đình nhà gái, làm khổ con cái sau này phải mang nợ; không tổ chức tiệc cưới linh đình, tốn kém, mà phải tổ chức gọn nhẹ, tránh lãng phí…
+ Trong tang ma: Khi gia đình có người chết không để kéo dài ngày vì để lâu làm mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường và phát sinh dịch bệnh nhất là những người có bệnh truyền nhiễm, vì vậy phải tổ chức chôn cất sớm. Không tổ chức ăn uống linh đình trong thời gian tổ chức đám tang như việc mổ trâu, mổ heo, uống rượu cả ngày, đêm vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tốn kém tiền bạc gây lãng phí, gây khó khăn cho gia đình có người chết. Không được để mâm cơm bên cạnh thi hài chưa tẩm liệm để ăn uống vì sẽ không đảm bảo về an toàn vệ sinh thực thẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe cho người thân trong gia đình. Nhiều gia đình sau khi tổ chức đám tang cho người thân trong gia đình phải gánh một khoản nợ, thậm chí phải vay tiền ở ngoài với lãi suất cao. Do đó không nên tổ chức ăn uống trong suốt những ngày có đám tang, có thể sau khi chôn cất xong chỉ làm mấy mâm cơm cảm ơn những người đã giúp đỡ trong quá trình lo tang sự. Bà con cần tiết kiệm chi tiêu để đầu tư cho sản xuất như mua phân bón, cây trồng, con giống, mua sắm vật dụng gia đình, dành tiền cho con ăn học đến nơi đến chốn,…không tổ chức sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới, đám giỗ một cách phô trương, linh đình, tốn kém ảnh hưởng đến kinh tế gia đình, mà nên tổ chức gọn nhẹ trong gia đình, họ hàng thân quen.
* Khi ốm đau, bệnh tật không nghe theo lời thầy mo, thầy cúng mà phải đưa bệnh nhân đến trạm y tế, bệnh viện để khám, chữa bệnh. Nếu không đưa kịp thời bệnh nặng sẽ nguy hiểm đến tính mạng
2. Về an ninh trật tự
Vận động nhân dân đảm bảo an ninh trật tự, không nghe, không theo, không tin theo sự xúi dục của các thế lực thù địch tuyên truyền xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước, nhằm chia rẻ khối đại đoàn kết dân tộc. Hiện nay trên các phương tiện thông tin, nhất là các trang mạng xã hội các thế lực thù địch lợi dụng sơ hở của Đảng và Nhà nước ta để kích động nhân dân tụ tập đông người, khiếu kiện, gây ách tác giao thông, khi có người rủ tham gia thì ta tuyệt đối không đi theo. Không tin, không nghe, không theo sự lôi kéo xúi dục của những người tự xưng là thành viên của “Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ” vì đây là 01 tà đạo, tuyên truyền những nội dung trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc ta.
Ta phải phát huy nét đẹp văn hóa của người đồng bào dân tộc thiểu số từ trước đến nay không có trộm cắp, không có băng nhóm tội phạm, không đua xe trái phép, không sử dụng ma túy,… Do đó phải giáo dục và vận động con em khi tham gia giao thông thì phải nghiêm túc chấp hành các quy định an toàn giao thông như: phải đội mũ bảo hiểm, không uống rượu bia khi tham gia giao thông, đã uống rượu bia thì không tham gia giao thông, tuân thủ các quy định về tốc độ, không được đánh võng, lạng lách; không tham gia băng nhóm tội phạm, không tham gia vào các tê nạn ma túy, không sử dụng ma túy dù chỉ một lần.
Khi truy cập các thông tin trên mạng xã hội phải biết chọn lọc, không chia sẻ những thông tin mà các phần tử phản động lợi dụng xuyên tạc, bôi nhọ, nói xấu Đảng, Nhà nước ta. Để nắm bắt những thông tin chính xác, người dân cần cập nhật các thông tin từ các kênh như: Thông qua các kênh thông tin chính thống của các chương trình thời sự trên Đài tiếng nói Việt Nam, các kênh thời sự của Đài truyền hình Việt Nam. Thông tin từ Chi bộ, Ban nhân dân thôn, các đoàn thể chính trị.
Hiện nay có một số đối tượng chuyên đi cho vay nặng lãi, đồng bào không nên nghe theo những người đi dụ dỗ vay tiền không có thế chấp hoặc thủ tục đơn giản, đó là hoạt động của tín dụng đen – đây là hình thức cho vay nặng lãi, trái các quy định của pháp luật ( ví dụ như: vay 1 triệu/ trả lãi 5 ngàn đồng/ngày, tính bằng 180%/năm) nếu ta không trả thì họ đến nhà đe dọa, xiết tài sản, đánh đập,…do đó bà con phải cảnh giác, tuyệt đối không vay của các đối tượng đi tuyên truyền, vận động, nếu có nhu cầu vay vốn thì đến ngân hàng, quỹ tín dụng, thông qua các tổ vay vốn của các đoàn thể tại địa phương để được hướng dẫn.
3. Về xây dựng nông thôn mới
Tuyên truyền cho nhân dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của xây dựng nông thôn mới, lợi ích của xây dựng nông thôn mới và trách nhiệm của người dân. Từ đó vận động nhân dân đóng góp tiền, ngày công, hiến đất để xây dựng hội trường, đường giao thông nông thôn…Xây dựng cổng, sân bê tông, bờ rào để đảm bảo sạch đẹp. Vận động gia đình, bà con họ hàng, hàng xóm cùng tham gia mua Bảo hiểm y tế.
Tuyên truyền về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hướng dẫn kỹ thuật tái canh cây cà phê, ghép cải tạo bơ, sầu riêng, các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để nâng cao thu nhập.
Đ/c Nguyễn Văn Bính – Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy – Phó Ban chỉ đạo XDTDVDBDTTS huyện quán triệt nội dung tuyên truyền
Nhân dân tham gia buổi tuyên truyền
Đợt tuyên truyền đã có hơn 600 người tham gia, thành phần là ủy viên Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Ban Chấp hành các đoàn thể xã, Bí thư, Phó Bí thư chi bộ thôn, trưởng, Phó thôn, Ban công tác Mặt trận, già làng, người có uy tín, cán bộ, đoàn viên, hội viên và bà con nhân dân tham gia. Đây là lực lượng cốt cán của địa phương trong việc tổ chức tuyên truyền, vận động sâu rộng trong nhân dân tham gia các phong trào thi đua phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, thực hiện nếp sống văn hóa, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Tuyên truyền xây dựng nông thôn mới – Đời sống văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Qua đợt tuyên truyền, vận động đã giúp cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số phần nào nhận thức được tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, lợi ích từ bảo hiểm y tế; dần loại bỏ, bài trừ các phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương, đặc biệt biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, chủ động ghép cải tạo cà phê già cỗi năng suất thấp sang các loại giống mới cho năng suất cao; hình thành các mô hình trong sản xuất, chăn nuôi như ở xã Đinh Lạc và Gia Hiệp… cũng qua đợt tuyên truyền làm cho bà con hiểu rõ hơn mục đích, ý nghĩa của việc chung tay xây dựng nông thôn mới, trong đó nhân dân là chủ thể là lực lượng chính, xây dựng nông thôn mới phục vụ cho chính nhu cầu, lợi ích của bà con nhân dân. Từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội; xóa đói, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của nhân dân; đảm bảo giữ vững an ninh, chính trị, trật tự xã hội của địa phương.
K’ Nam – Ban Dân vận Huyện ủy